Startup Nhật Bản thử nghiệm vệ tinh dọn rác vũ trụ

Trong thử nghiệm, vệ tinh của công ty Astroscale sẽ chứng minh các khả năng tìm kiếm và định vị rác vũ trụ, sau đó ghép nối bằng nam châm.

Tên lửa Soyuz mang theo loạt vệ tinh phóng lên không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan lúc 13h07 ngày 22/3 (giờ Hà Nội). Trong số đó, đáng chú ý có vệ tinh dọn rác vũ trụ của startup Nhật Bản Astroscale. Nó sẽ thử nghiệm công nghệ dọn rác mới mang tên ELSA của hãng này.

Astroscale từng phóng một vệ tinh nhỏ được thiết kế để đo đạc rác vũ trụ năm 2017. Tuy nhiên, vụ phóng không thành công do tên lửa gặp trục trặc.

Nhiệm vụ mới mang tên ELSA-d, gồm một vệ tinh dịch vụ và một thiết bị mô phỏng vệ tinh của khách hàng đã ngừng hoạt động hay vệ tinh rác. Vệ tinh dịch vụ có nhiệm vụ ghép nối với nó rồi cùng lao xuống khí quyển và cháy rụi. Trong thử nghiệm, vệ tinh dịch vụ sẽ lặp lại hoạt động ghép nối rồi tách rời. Vệ tinh rác trang bị một đĩa sắt từ, giúp vệ tinh dịch vụ ghép nối bằng nam châm dễ dàng hơn.

Astroscale hy vọng có thể chứng minh các khả năng của vệ tinh thông qua thử nghiệm ELSA-d. Các khả năng này bao gồm tìm kiếm và định vị mục tiêu, kiểm tra hư hại, ghép nối trong cả hai trường hợp mục tiêu vẫn duy trì quỹ đạo ổn định và mục tiêu đang lộn nhào trên không, mất khả năng kiểm soát đường bay.

Astroscale đặt mục tiêu thương mại hóa hoạt động dọn rác vũ trụ trong tương lai. Ngoài ra, công ty cũng sẽ hợp tác với Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để thực hiện nhiệm vụ dọn rác vũ trụ đầu tiên của cơ quan này. Đây có thể trở thành nhiệm vụ đầu tiên trên thế giới nhằm loại bỏ mảnh rác lớn khỏi quỹ đạo Trái Đất, cụ thể là tầng trên của một tên lửa đẩy.

Nguồn: Khởi Nghiệp

Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!