Start-up Việt “khát” nhân lực chất lượng cao

Mặc dù chịu khá nhiều tác động từ đại dịch, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn rất hấp dẫn các quỹ đầu tư, song cũng đang bộc lộ “lỗ hổng” về nguồn nhân lực.

Hàng loạt thương vụ gọi vốn thành công

Một loạt start-up như Siêu Việt, OnPoint, Propzy, Beta Media, F88, Okxe, Riviu, BuyMed, JobHopin, Wee Digital, Momo, Palexy, Losip… đã gọi được vốn đầu tư trong năm 2020. Thành công của các thương vụ này cho thấy, các quỹ đầu tư vẫn đặt niềm tin vào mô hình kinh doanh, sự sáng tạo, linh hoạt và tiềm năng của start-up nội.

Theo báo cáo của Quỹ Do Ventures, trong số 6 nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á, các công ty của Việt Nam chiếm 16% trong tổng số tiền cam kết đầu tư thời gian qua, xếp thứ 3, sau Singapore và Indonesia.

Quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản) có 3 thương vụ đầu tư mới trong năm 2020 tại Việt Nam. Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện Genesia Ventures tại Việt Nam cho biết, hồi tháng 10/2020, Quỹ còn cử một cộng sự từ Nhật Bản sang Việt Nam, không chỉ để hỗ trợ khảo sát một thương vụ đầu tư, mà còn để tăng cường nhân lực tìm kiếm thêm các thương vụ khác.

Theo bà Dung, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm không hẳn bị giảm đi vì đại dịch. Bởi thực tế, vẫn có không ít quỹ nhìn ra cơ hội từ các start-up tiềm năng và rất tích cực đàm phán, chốt thương vụ.

Trong năm 2020, ngoài các quỹ ngoại chuyên “đánh bắt xa bờ”, hệ sinh thái khởi nghiệp còn có sự xuất hiện của một số quỹ nội. Kiểm soát tốt đại dịch, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội là ưu thế rất lớn của Việt Nam, là một trong những yếu tố quyết định thúc đẩy các quỹ đầu tư nhanh chóng chốt thương vụ.

“Chúng tôi thấy, Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhất Đông Nam Á những năm tới”, ông Field Pickering, Giám đốc đầu tư mạo hiểm Vulpes Investment Management đánh giá. 

“Đau đầu” thu hút nhân tài

Start-up hoạt động trong lĩnh vực nào sẽ giành được mối quan tâm của các quỹ đầu tư? Câu hỏi này khó có thể trả lời một cách đầy đủ, vì ngoài lĩnh vực đang hoạt động, các quỹ còn cân nhắc đến năng lực thực thi, ứng biến của đội ngũ.

Đơn cử, trong đại dịch, nhu cầu chăm sóc và theo dõi bệnh nhân từ xa ngày càng tăng, hàng loạt start-up trong lĩnh vực công nghệ y tế ra đời.

Dẫu vậy, bà Dung nhìn nhận, không phải xu hướng mới nào trên thế giới cũng có thể phổ biến ở Việt Nam, nếu hạ tầng căn bản trong lĩnh vực đó chưa đủ sức đáp ứng.

Bên cạnh đó, Trưởng đại diện Genesia Ventures rất trăn trở về yếu tố nhân lực và đánh giá, đây là “lỗ hổng” lớn nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Thu hút nhân tài luôn là vấn đề khiến các start-up “đau đầu”, kể cả các start-up đã gây dựng được quy mô lớn so với các đối thủ trên thị trường.

Số lượng người tự khởi nghiệp ở Việt Nam khá nhiều, nhưng nguồn nhân lực khởi nghiệp và tự khởi nghiệp là hai vấn đề khác nhau. Theo quan sát của bà Dung, hầu hết các start-up Việt đều thiếu đội ngũ nhân sự chất lượng. Trong khi đó, các quỹ đầu tư rất coi trọng đội ngũ nhân sự, coi đây là một trong những yếu tố tiên quyết để rót vốn đầu tư.  

Nguồn: Báo mới

Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!