Sàn nông nghiệp Foodmap mở rộng kinh doanh tại cửa hàng

Cửa hàng đầu tiên của Foodmap nằm tại TP HCM mở cửa thử nghiệm cho khách hàng thăm quan song chưa khai trương.

Trên trang Fanpage, sàn nông sản Foodmap thông báo vừa mở cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại TP HCM. Sự kiện đánh dấu việc mở rộng sang mô hình kinh doanh offline. Trước đây, người dùng FoodMap vốn chỉ có thể mua hàng online trên nền tảng của công ty cung cấp.

Cửa hàng trải nghiệm đầu tiên của Foodmap đang trong giai đoạn dần hoàn thiện. Thời gian chính thức khai trương vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên khách hàng có thể ghé thăm và trải nghiệm từ đầu tháng 10.

Cửa hàng của FoodMap tại tại địa chỉ số 284/5B Lũy Bán Bích, Phường Hòa Thạnh, Quận Tân Phú, TP.HCM
Cửa hàng của FoodMap tại quận Tân Phú, TP HCM. Ảnh: FoodMap.

Foodmap đang cho thấy những chiến lược mới trong hoạt động ngay sau khi startup này nhận đầu tư nửa triệu USD từ qũy Wavemaker Partners, Mỹ cách đây một tháng.

FoodMap, ra đời năm 2018 và hoạt động theo mô hình ứng dụng kết nối các nông dân và nhà sản xuất sản phẩm nông nghiệp với người dùng cuối. Nhà sáng lập FoodMap – Phạm Ngọc Anh Tùng, từng làm sếp tại Cầu Đất Farm.

Quy mô chưa lớn, nhưng FoodMap là một trong những startup Việt đầu tiên cung cấp sản phẩm nông nghiệp trên kênh trực tuyến. Cả Tiki và Lazada đã chọn hợp tác với FoodMap khi ra mắt mảng nông sản, thực phẩm tươi trong giai đoạn căng thẳng nhất của Covid-19 (tháng 4/2020).

Trên wbsite thương mại điện tử, FoodMap cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn qua ba thương hiệu riêng là Đặc sản Ngon Lành (như đường, mật ong, rau củ quả…), Maloka (trà và cà phê) và HappyNut (các loại hạt dinh dưỡng). Nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt, FoodMap đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân, đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo. Song thương hiệu cũng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.

Hồi tháng 9/2019, FoodMap được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là “Startup tốt nhất Việt Nam” trong lĩnh vực agri-tech (nông nghiệp công nghệ). Năm nay, dự án đại diện Việt Nam tham gia vòng bình chọn ở khu vực Đông Nam Á.

Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết đội ngũ FoodMap trực tiếp đến các hộ nông dân và nhà sản xuất để kể các câu chuyện tử tế trong nông nghiệp. Nguồn: FoodMap
Phạm Ngọc Anh Tùng tại khu hồng treo gió trong một trang trại ở Đà Lạt. Nguồn: FoodMap.

Cùng thời gian này, FoodMap vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải “Sáng kiến có tác động lớn nhất” (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do viện hàn lâm Kỹ thuật hoàng gia Anh và quỹ Newton tổ chức. Giải thưởng dành cho các startup, tập thể nhà nghiên cứu, viện khoa học có những phát minh, những giải pháp đột phá trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, xã hội.

Đến nay công ty hợp tác với hơn 100 nông dân hoặc nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm từ hơn 20 tỉnh thành cho hơn 5.000 người dùng cuối và nhà bán lẻ. Để giải quyết bài toán khó trong chuỗi cung ứng nông nghiệp nằm ở khâu hậu thu hoạch, giảm thiểu hàng dư hàng tồn, công ty chọn cách vận hành theo mô hình đặt hàng trước (pre-order), chiếm khoảng 30-35% sản phẩm bán ra, đồng thời cung cấp cho cả khách hàng B2B (70%) lẫn B2C (30%).

Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!