Người đàn ông biến vùng đất cằn cỗi thành khu vườn “hái ra tiền”

Một người đàn ông Ấn Độ bắt đầu trồng cây trên cánh đồng đầy cát cằn cỗi cách đây 15 năm đang được ca ngợi vì đã biến vùng đất hoang thành khu vườn màu mỡ 10.000 cây ăn quả.

Satyendra Gautam Manjhi, một người đàn ông giản dị đến từ ngôi làng nhỏ Imaliyachak, thuộc bang Bihar, Ấn Độ, tuyên bố rằng anh đã được truyền cảm hứng và bắt đầu cải tạo khu vườn cằn cỗi để trồng cây sau khi được Dashrath Manjhi, được gọi là “người đàn ông dời núi” đến thăm.

Câu chuyện về việc ông đã dành hơn 20 năm đục đẽo vách núi để làm đường về làng của mình đã truyền cảm hứng cho một thế hệ, bao gồm cả nhân vật chính của câu chuyện này. Satyendrav nói rằng chính Dashrath đã bảo anh ấy bắt đầu trồng một vườn cây ăn quả và đó chính xác là những gì anh ấy đã làm.

Người đàn ông biến vùng đất cằn cỗi thành khu vườn “hái ra tiền” - 1

Người đàn ông đã cải tạo vùng đất cằn cỗi thành khu vườn hái ra tiền (Nguồn: Oddycentral)

“Dashrath Manjhi bảo tôi trồng một vườn cây ăn quả trong khu vực này,” người đàn ông nói. “Lúc đó nơi đây cằn cỗi, hoang vắng, chỉ có cát và tôi đã gặp rất nhiều rắc rối để có thể thực hiện công việc cải tạo. Dẫn nước tưới tiêu là công việc khó khăn nhất”.

Tệ hơn nữa, các loài động vật hoang dã liên tục phá hủy những cây mà ông ấy trồng, nhưng ông không bỏ cuộc. Satyendra đi vào rừng và lấy những bụi cây gai làm hàng rào nhằm ngăn chặn các loài động vật. Công việc vất vả là vậy, nhưng hàng rào đó vẫn bảo vệ vườn cây ăn trái của ông sau 15 năm qua.

Theo thời gian, vườn cây ăn quả của Manjhi, chủ yếu bao gồm những cây ổi thuộc giống Allahabad, lớn lên và khu đất hoang của ông bắt đầu trở thành ốc đảo xanh tươi, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người đàn ông vùng quê này. Tin tức về thành tích của ông ấy lan truyền khắp Bihar và chính quyền địa phương đã khen thưởng ông bằng cách đề nghị cho người nông dân này một vị trí trong ủy ban nhà nước.

Ông Satyendra Gautam Manjhi, nói với Hãng thông tấn ANI: “Khi Bộ trưởng Bihar Nitish Kumar biết về những đóng góp của tôi trong việc bảo vệ môi trường, tôi đã được bổ nhiệm làm thành viên của Ủy ban Bảo vệ Trẻ em.”

Hiện nay, vườn ổi của Satyendra có hơn 10.000 cây. Nó đã mang lại cho người đàn ông ngoan cường không chỉ sự kính trọng và biết ơn của dân làng và các quan chức nhà nước, mà còn mang lại lợi nhuận về tiền bạc nhờ giống ổi người đang ông này trồng mang lại lợi nhuận rất cao. Ước mơ của ông ấy là trở thành nguồn cảm hứng đối với nhiều người, giống như Dashrath Manjhi đối với ông ấy.

Nguồn: Báo 24h

Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!