Các trung tâm đổi mới sáng tạo này sẽ không chỉ là nơi thúc đẩy việc đưa công nghệ vào phát triển kinh tế mà còn sẽ trở thành nơi tạo ra những công nghệ mới của Việt Nam.
Từ ngày 5/10/2020, cơ chế ưu đãi của Chính phủ đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được quy định tại Nghị định số 94 sẽ chính thức đi vào thực tiễn.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm thu hút nhân tài, chuvên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.
Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa và các doanh nghiệp khác có liên quan đặt văn phòng, bộ phận nghiên cứu và phát triển trong Trung tâm để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong Trung tâm.
Dự án đầu tư của cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm và dự án đầu tư của Trung tâm thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được hưởng các ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Trung tâm, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm được nhận tài trợ, hỗ trợ, vay vốn và bảo lãnh vốn vay của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật.
Theo nghiên cứu của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam hiện đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi kinh tế số hóa nhanh trên thế giới, đồng thời đứng ở vị trí 22 về tốc độ phát triển số hóa.
Những tín hiệu tích cực nói trên là minh chứng cho thấy tiềm năng, cũng như cơ hội phát triển của các startup Việt Nam. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD.
Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á.
Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các kỳ lân mới – các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam, cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp là rất thực tế.