Computer Vision ra đời đầu năm 2020 hỗ trợ xử lý hình ảnh, nhận diện khuôn mặt, hỗ trợ công ty công nghệ tài chính xác minh danh tính khách hàng.
Giải pháp dựa trên công nghệ xử lý ảnh thông minh APIs, cung cấp giải pháp định danh, nhận diện khuôn mặt cho các công ty công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng. Dự án giúp các công ty xác thực khách hàng thông qua hình ảnh khuôn mặt, trích xuất thông tin từ chứng minh nhân dân cũ và mới, căn cước công dân, hộ chiếu và nhiều loại giấy tờ khác. Công nghệ của Computer Vision sẽ tự động xác định, nhận dạng một hoặc nhiều khuôn mặt trong các hình ảnh hoặc video. Việc này giúp đối tác fintech dễ xác minh thông tin khách hàng để mở hồ sơ và thu hồi nợ từ khách hàng.
Dự án phân loại nội dung hình ảnh với nhiều mức độ khác nhau, tự động cắt, thu nhỏ hình ảnh dựa trên chủ thể trong ảnh, sắp xếp theo trình tự hợp lý giúp công ty fintech quản lý hồ sơ của khách hàng một cách hệ thống hơn. Đội ngũ dự án còn triển khai nhiều giải pháp liên quan đến hình ảnh như gắn thẻ tự động, tìm kiếm dữ liệu hình ảnh liên quan của khách hàng cho doanh nghiệp.
“Computer Vision được sử dụng để xác thực thông tin khách hàng trong lĩnh vực công nghệ tài chính, cho vay tín dụng. Do đó đối tác chủ yếu của chúng tôi đa phần là các công ty công nghệ tài chính”, anh Nguyễn Văn Việt – CEO kiêm sáng lập Computer Vision cho biết.
Anh Việt giải thích, tại quầy, giao dịch viên sẽ nhìn bằng mắt, sau đó đối chiếu qua hình ảnh của khách hàng hiển thị trên màn hình đã được nhận dạng qua công nghệ của Computer Vision, từ đó xác minh danh tính khách hàng một cách chính xác hơn. Còn đối với ứng dụng trực tuyến, các công ty tài chính có thể hoàn toàn kiểm soát nhận dạng của khách hàng thông qua hình chụp selfie của khách hàng. Với công nghệ này, khách hàng không cần đến trụ sở công ty để làm hồ sơ vay, mà có thể chủ động mở tài khoản và hoàn tất hồ sơ vay trực tuyến.
“Chúng tôi tập trung vào chống giả mạo giấy tờ, giúp xác minh danh tính khách hàng, xây dựng chính sách giá phù hợp cho các đối tác nhỏ lẻ”, đại diện dự án nói.
Anh Nguyễn Văn Việt – CEO kiêm Co-Founder công ty Computer Vision. Ảnh: NVCC. |
Nắm bắt thị trường
Trên thế giới, công nghệ trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính được áp dụng nhiều để hỗ trợ phát triển, kinh doanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên tại Việt Nam, thị trường điện toán thị giác vẫn còn khá mới mẻ. Theo khảo sát của CEO, Co-Founder Computer Vision, các tổ chức công nghệ tài chính là đơn vị có nhu cầu sử dụng nhiều các giải pháp nhận diện khuôn mặt từ điện toán thị giác. Tuy nhiên, để làm quen và đưa vào sử dụng các sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp vẫn cần 2-3 tháng để đào tạo, hướng dẫn nhân viên và làm quen quy trình.
Vốn là cựu sinh viên công nghệ thông tin Đại học Bách khoa Hà Nội, đã có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn kèm nghiên cứu về thị trường trí tuệ nhân tạo, anh Việt ấp ủ mơ ước vẽ nên một công nghệ “độc quyền” về điện toán thị giác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, anh xác định con đường từ lúc xây dựng startup cho đến lúc có khách hàng đầu tiên sẽ mất khá nhiều thời gian. Do đó, tháng 7/2018, Việt cùng cộng sự là những người bạn chuyên môn về công nghệ thông tin thành lập công ty CP Công nghệ Mimas Việt Nam. Đây là bước đệm “lấy ngắn nuôi dài” để Việt cùng cộng sự có nguồn tài chính nuôi dự án Computer Vision.
Mở rộng nhân lực
Theo đại diện Computer Vision, năm 2018 và 2019 là thời điểm ngành công nghệ thông tin khó tuyển người do sự mở rộng và chiếm lĩnh thị phần của các tập đoàn lớn. Do đó, trong thời gian đầu thành lập, đội ngũ dự án gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm người đồng hành, chủ yếu dựa vào năng lực của các Co-Founder.
Cho đến nay, sau hơn ba tháng thành lập và hai năm thai nghén trước đó, Computer Vision đã ký kết hợp tác cùng hai khách fintech, một khách chuyển đổi số và một số khách hàng khác đang trong thời gian kiểm tra chạy thử sản phẩm.
Văn phòng công ty Computer Vision tại Hà Nội. |
Tuy nhiên, Covid-19 kéo theo những khó khăn cho các công ty tài chính – đối tượng khách hàng chính khiến tiến trình phát triển của dự án cũng bị ảnh hưởng. Anh Việt cho biết, sắp tới công ty sẽ mở rộng tập khách hàng đến các ngân hàng thương mại, ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên theo nhà sáng lập dự án, các đối tác này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, cần thời gian để đưa vào vận hành vì bộ máy cồng kềnh hơn công ty tài chính.
Trong năm 2020, anh Việt cho biết công ty hướng đến tìm kiếm, phát triển khoảng 5-6 khách hàng, tập trung nâng cấp sản phẩm để phục vụ nhu cầu của nhiều khách hàng hơn, lựa chọn các đối tác để gọi vốn, mở rộng phát triển. Dự kiến, tháng 8/2020 dự án sẽ mở thêm văn phòng ở TP HCM, mở rộng thị trường ở khu vực phía Nam.
Nguồn: Startup