Cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh “kỳ lân Châu Á”

Saola là một trong những dự án mới nhất của 500 Startups nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với chương trình đào tạo mang từ thung lũng Silicon về.

500 Startups là quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực nhất ở Việt Nam trong vài năm vừa qua. Với quy mô 14 triệu USD, hiện danh mục đầu tư của quỹ đã cán mốc hơn 40 công ty và mục tiêu của quỹ này đến cuối năm 2020 sẽ mở rộng danh mục lên 80-100 startup.

Không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính, 500 Startups Vietnam đã tạo ra một hệ sinh thái kết nối các công ty trong danh mục đầu tư với các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu và trong khu vực.

Tháng 12/2018, 500 Startups Việt Nam đã tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên là Saola Accelerator, trong đó Saola được đặt tên theo loài hươu quý hiếm được tìm thấy ở Việt Nam với biệt danh “kỳ lân của Châu Á,” với kỳ vọng sẽ tìm ra và hỗ trợ startup tại Việt Nam trở thành unicorn (doanh nghiệp tỷ USD).

Trí Thức Trẻ đã có cuộc phỏng vấn với Lý Khánh Hậu, quản lý của 500 Startups phụ trách chương trình Saola Accelerator. Hậu là một trong 4 gương mặt suất sắc của Việt Nam nằm trong danh sách U30 Châu Á của Forbes Châu Á năm 2019 và cũng là cô gái duy nhất của Việt Nam được vinh danh. Là một trong ba nhà quản lý của 500 Startups Việt Nam, Hậu đã giúp quỹ này rót vốn cho khoảng 40 startup với tổng số tiền 3 triệu USD. Những công ty này sau đó đã nhanh chóng phát triển và kêu gọi được tổng cộng hơn 100 triệu USD trong các vòng gọi vốn tiếp theo.

Cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh kỳ lân Châu Á - Ảnh 1.

Lý Khánh Hậu, manager của 500 Startups Việt Nam, phụ trách chương trình Saola Accelerator

Theo như thông tin trên website, Saola Accelerator là chương trình mang từ thung lũng Silicon về training cho các startup có yếu tố Việt Nam, vậy các startup phải đáp ứng điều kiện gì để có thể được tham gia chương trình này?

Lý Khánh Hậu: Saola là một trong những dự án mới nhất của 500 Startups nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy có nhiều startup công nghệ Việt tiềm năng hiện đã có sản phẩm cũng như số khách hàng nhất định, và họ cần được hỗ trợ để có thể tăng trưởng tối đa. Hỗ trợ ở đây không chỉ có vốn đầu tư mà còn các hỗ trợ về chuyên môn, kết nối, và các nguồn lực khác.

Là một quỹ đầu tư toàn cầu, 500 Startups có kinh nghiệm cung cấp những hỗ trợ đó cho hơn 1.000 startup thông qua hơn 40 khóa của các chương trình tăng trưởng trên toàn thế giới. Tại thung lũng Silicon, chương trình tăng tốc của 500 Startups được xếp hạng là top 3 accelerator tại Mỹ theo Forbes và Fortune. Vào đầu năm nay, chúng tôi đã quyết định mang những hỗ trợ đó tới cho các startup ở Việt Nam thông qua chương trình Saola.

Tiêu chí lựa chọn của Saola rất đơn giản: các startup công nghệ đã có sản phẩm hoàn chỉnh và có khách hàng, đồng thời đã sẵn sàng tập trung vào tăng trưởng đều có thể đăng ký. Khi được chọn để tham gia vào Saola, mỗi startup sẽ nhận được khoản đầu tư 100.000 đô la Mỹ từ 500 Startups và có cơ hội làm việc trực tiếp với các chuyên gia quốc tế hàng đầu của chúng tôi xuyên suốt 3 tháng của chương trình để tìm ra công thức tăng trưởng cho riêng mình.

Trong khóa 1 của Saola, chúng tôi có 8 chuyên gia đến từ 4 quốc gia với kinh nghiệm sáng lập, điều hành 22 startup, 11 lần exit (thoái vốn) và đã đầu tư vào hơn 100 startup. Kết thúc chương trình, các startup của Saola sẽ có cơ hội thuyết trình và giới thiệu về công ty của mình tại sự kiện Demo Day, một sự kiện quy tụ hàng trăm nhà đầu tư và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh kỳ lân Châu Á - Ảnh 2.

Chương trình đã diễn ra được bao lâu và kết quả mang lại?

Khoá đầu tiên của Saola đã bắt đầu vào tháng 6 và vừa kết thúc vào tháng 9 năm nay, với gần 30 cá nhân tham dự đến từ 6 startup được 500 Startups chọn lựa. Cùng với 8 chuyên gia của chương trình, các startup đã được đào tạo về nhiều nội dung xoay quanh tăng trưởng bao gồm phân tích số liệu (analytics & KPIs), thấu hiểu khách hàng (customer interview & understanding), các phương pháp thử nghiệm (experimentation), tuyển dụng, paid marketing, bán hàng cho tổ chức & doanh nghiệp (B2B Sales), gọi vốn, v.v…

Ngoài hơn 60 buổi đào tạo và workshop, các startup còn dành hơn 100 giờ gặp gỡ và tư vấn 1:1 với các chuyên gia trong chương trình. Khóa 1 kết thúc với Demo Day với sự góp mặt của hơn 230 khách mời bao gồm các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác trong khu vực.

Mặc dù mới chỉ tổ chức 1 khoá, Saola đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ chính các nhà sáng lập và đội ngũ startup tham gia. Herve Vu Roussel, đồng sáng lập công ty Quod AI, một trong các công ty tham dự Saola, đã đánh giá rằng Saola “là một trong những chương trình tăng tốc khởi nghiệp tốt nhất ở Đông Nam Á và thậm chí là trên thế giới.”

Cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh kỳ lân Châu Á - Ảnh 3.

Lý Khánh Hậu (mặc vest xanh bên phải) tại chương trình tổng kết khóa 1 của Saola Accelerator

Khóa đào tạo tập trung mạnh vào yếu tố tăng trưởng, liệu việc chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá có phải đích đến của các startups?

Đối với 500 Startups và Saola, tăng trưởng tốt phải là tăng trưởng dài hạn, có quy trình rõ ràng, có thể dự đoán được và có thể lặp lại được. Mục tiêu của Saola không phải là cung cấp các thủ thuật giúp các startup tăng số view, số click hay tăng trưởng bằng mọi giá. Sai lầm lớn nhất của các startup là không biết mình phải tập trung vào đâu, trong khi thời gian và nguồn lực lại có hạn. Để biết cần làm gì vào lúc nào, Saola giúp các startup xác định chỉ số quan trọng nhất (“one metric that matters”), nắm được cách thu thập ý kiến khách hàng và hành động dựa trên phản hồi của khách hàng, và tiến hành những thử nghiệm để tăng trưởng tốt hơn.

100% các công ty tham dự đều tin rằng Saola mang lại những tác động tích cực và lâu dài cho họ. Anh Nguyễn Thành Trung, đồng sáng lập và CEO của Axie Infinity, một trong sáu công ty của Saola khóa 1 (gần đây cũng mới công bố đã gọi vốn thành công 1,5 triệu đô từ các quỹ đầu tư có tiếng trên thế giới), chia sẻ: “Tất cả chúng tôi trong công ty cũng chưa thực sự hiểu 100% bài toán mà mình đang giải quyết. Tôi nghĩ chỉ ngay sau tuần đầu tiên [của Saola] thôi, điều đó đã thay đổi hoàn toàn.”

Kỳ vọng của chương trình trong thời gian tới là gì?

Trước mắt, chúng tôi đang lên kế hoạch tổ chức khóa thứ 2 của Saola vào đầu năm sau. Chúng tôi kỳ vọng có thể mở rộng quy mô của chương trình và phục vụ nhiều startup hơn nữa, đồng thời cũng mong sẽ nhìn thấy nhiều tiến triển đáng mừng từ các startup tham dự vào khóa 1.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm công nghệ & ĐMST cho các nước đang phát triển, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đạt được tiềm năng đó.

Cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh kỳ lân Châu Á - Ảnh 4.

Đội ngũ điều hành của 500 Startups Việt Nam

Vì sao 500 Startups thường đầu tư thông qua hình thức trái phiếu chuyển đổi (convertible note) mà không phải góp vốn cổ phần từ vòng đầu?

Hình thức đầu tư trái phiếu chuyển đổi không chỉ được 500 Startups sử dụng mà còn được rất nhiều quỹ đầu tư và startup khác ưa chuộng, vì nó phù hợp với các vòng gọi vốn ban đầu. Khi số vốn cần gọi nhỏ, hình thức này sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho cả hai bên. Bên cạnh đó, nó có sự linh hoạt nhất định về định giá thông qua mức khấu trừ (discount) và mức trần (cap). Trái phiếu chuyển đổi ưu việt hơn trên phương diện này đối với các startup còn non trẻ, bởi khi đó họ còn chưa có gì nhiều. Nếu gọi vốn đổi lấy cổ phần ngay, mức định giá ở ngay thời điểm đó không thể quá cao, dẫn đến việc nhà sáng lập dễ mất quá nhiều cổ phần trong công ty.

Nếu so với quy mô vốn 14 triệu USD, quỹ này không phải là lớn, trong khi 500 Startups lại chỉ đầu tư vào các công ty công nghệ, nơi được cho là “các công ty đốt tiền mới ra được sản phẩm”, điều này có mâu thuẫn không?

Có hai điểm chúng tôi muốn làm rõ ở đây. Thứ nhất, không phải cứ là công nghệ thì các công ty đều phải “đốt tiền mới ra được sản phẩm,” bởi vì không phải startup nào cũng cần phát triển công nghệ hoàn toàn mới để làm ra sản phẩm. Xây dựng một startup công nghệ, đặc biệt là công nghệ phần mềm, thực ra có thể ít tốn kém hơn các mô hình kinh doanh truyền thống. Chẳng hạn, với kinh doanh truyền thống, bạn phải bỏ tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, cơ sở vật chất hay nhiều nhân lực phục vụ khách hàng, và càng mở rộng thì các chi phí đó càng đội lên. Trong khi đó với các startup, nhờ công nghệ mà họ ít lệ thuộc vào các yếu tố trên, từ đó tiết kiệm được chi phí.

Thứ hai, đúng là quy mô của quỹ 500 Startups Vietnam nhỏ, nhưng khi các startup có nhu cầu gọi vốn lớn hơn số tiền chúng tôi có thể cung cấp, chúng tôi có thể ‘dẫn dắt’ vòng đầu tư bằng cách giúp họ thu hút vốn từ các nhà đầu tư uy tín khác. Chẳng hạn như trong khóa 1 của Saola, với mỗi đô la mà 500 Startups đầu tư, các công ty còn nhận được 4 đô la từ các nhà đầu tư khác trong cùng vòng gọi vốn đó.

Quan trọng hơn vốn đầu tư là những hỗ trợ mà chúng tôi có thể đem lại, bao gồm những nguồn lực, kiến thức, kinh nghiệm, và mạng lưới toàn cầu của 500 Startups. Ví dụ như với chương trình Saola, giá trị lớn nhất không phải là số tiền đầu tư 100.000 đô la Mỹ mà là cơ hội kết nối và làm việc với những nhà sáng lập khác và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới, những người đã và đang trải qua hành trình khởi nghiệp, thấu hiểu những vấn đề mà bạn đang gặp phải, và có thể đồng hành và hỗ trợ bạn giải quyết những vấn đề đó. Những hỗ trợ đó mới là lý do chính khiến nhiều nhà sáng lập tìm đến 500 Startups Vietnam.

Xin cảm ơn Hậu.

Cô gái duy nhất của Việt Nam trong danh sách Forbes Under30 Châu Á 2019 và chương trình tăng tốc khởi nghiệp lấy tên loài hươu quý hiếm của Việt Nam với biệt danh kỳ lân Châu Á - Ảnh 5.

Danh sách 49 công ty trong danh mục của 500 Startups Vietnam

Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!