Từ bỏ công việc lập trình viên ở Mỹ, Nguyễn Bá Cảnh Sơn về nước, khởi nghiệp với Dat Bike tạo ra hàng nghìn xe máy điện “made in Vietnam’.
– Điều gì khiến anh quyết định thành lập Dat Bike?
– Khi làm việc tại Thung lũng Silicon, tôi làm ngày làm đêm để kiếm nhiều tiền, để thăng chức. Nhưng khi đạt vị trí như mong muốn, tôi lại thấy việc này chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi nhận ra, bản thân đang bị lập trình định nghĩa và giới hạn trong suốt gần 20 năm qua. Tôi bị chính những công cụ quá hữu ích mà mình đang có, giới hạn tôi.
Tôi làm việc tại một công ty phần mềm quản lý tài sản cho giới thượng lưu. Vì thế, sản phẩm tôi tạo ra chỉ gói gọn trong nhóm khách hàng này, không giúp gì cho cuộc sống của những người xung quanh. Giá trị tôi tạo ra không lớn. Ngay cả khi tôi nghỉ, vẫn sẽ có người khác thay thế, như vậy rất chán! Lúc bấy giờ, tôi muốn bản thân phải làm những việc có ý nghĩa hơn và tạo ra sức ảnh hưởng đến xã hội, gần nhất là với gia đình bạn bè.
Những năm đó, xe điện bên Mỹ rất phát triển, nhưng chủ yếu là xe hơi. Các startup làm xe điện hai bánh cũng xuất hiện nhiều nhưng thường “chết” sau vòng gọi vốn cộng đồng vì thị trường thật sự rất nhỏ. Trong khi đó, ở châu Á, số người đi xe hai bánh lớn nhưng công nghệ xe điện lại chưa phát triển. Lúc này, tôi nhận ra rằng công nghệ phương Tây và thị trường phương Đông đang chưa giao thoa. Nếu tôi có thể mang công nghệ về gặp đúng thị trường, tiềm năng sẽ rất cao. Tháng 12/2018, tôi về nước và lập Dat Bike.
– Từ một dân IT chuyển sang làm về công nghiệp chế tạo, đâu là những khó khăn với anh?
– Tôi là một người học công nghệ thông tin, nên lúc đó tôi chẳng biết gì về công nghiệp chế tạo. Tôi phải tự học mọi thứ: cơ khí, điện tử, thiết kế mạch, thiết kế công nghiệp, chuỗi cung ứng… Thời gian đó, tôi coi YouTube 10 tiếng mỗi ngày và đọc sách về những kiến thức liên quan. Tôi còn tham gia các khóa học dạy gia công cơ khí, thiết kế điện tử, vẽ công nghiệp.
Bản thân tôi lúc làm phần mềm cũng thường xuyên gặp các bài toán mà mình cần phải học hỏi thêm để giải quyết. Nên tôi nhận ra, điều quan trọng nhất là xác định đúng bài toán của mình. Nếu đã rõ ràng, việc học hỏi các kiến thức để tìm lời giải trở nên dễ dàng hơn nhiều.
– Thời gian đầu anh xoay sở nguồn tài chính ra sao?
– Kinh phí chủ yếu đến từ tiền túi của tôi. Ngày xưa đi làm để dành được bao nhiêu, tôi đổ vào hết. Khi hết tiền, tôi bán đồ cá nhân, bán xe. Trước khi về nước, khoản tiền của tôi không đủ duy trì, nhờ các mối quan hệ đã giúp tôi gọi vốn cá nhân dễ dàng. Bạn bè và đồng nghiệp tin tưởng nên họ cùng góp tiền, còn vui miệng nói “để đuổi tôi về nước” (cười).
Trước khi nhận vốn đầu tư, tôi có vẽ ra kế hoạch tài chính cho startup của mình. Nhưng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Điều quan trọng tôi rút ra trong giai đoạn này là đừng để startup hết tiền. Tất cả mọi chuyện khác, khi sai đều có thể sửa chữa. Nhưng khi hết tiền thì “ai về nhà nấy”.
CEO Nguyễn Bá Cảnh Sơn. Ảnh: Tất Đạt. |
– Có thời gian dài làm thuê, bây giờ tự khởi nghiệp, điểm khác biệt giữa 2 vị trí là gì?
– Theo tôi, giữa khởi nghiệp và đi làm thuê hầu như không có gì khác biệt về bản chất. Với Dat Bike, tôi vẫn bỏ công sức ra làm việc, cuối tháng nhận lương.
Tuy nhiên, một startup và một công ty lớn khác nhau nhiều thứ. Startup không có thị trường như công ty lớn, đội ngũ nhân sự cũng mỏng hơn, quy trình chưa hoàn thiện, những điều cần tạo dựng còn rất nhiều. Nhưng đổi lại, sức ảnh hưởng của tôi trong startup lại rất lớn. Tôi cảm nhận được bản thân là một phần rất quan trọng trong công ty.
Ngoài ra, tôi có cơ hội làm những thứ mà bản thân chẳng có kinh nghiệm. Khởi nghiệp là môi trường để những kẻ không có bằng cấp, không có kinh nghiệm làm những thứ mình muốn. Startup có tốc độ phát triển rất nhanh, và để có thể tồn tại, bạn cũng phải phát triển bản thân với tốc độ ít nhất ngang bằng với tốc độ phát triển của công ty. Do đó, theo tôi, một năm làm việc ở startup có thể bằng 5-10 năm kinh nghiệm ở một công ty lớn.
Ngày xưa tôi khá ngây thơ, tôi chỉ muốn tạo ra một chiếc xe điện có thể thay thế hoàn toàn xe máy xăng và bán ra thị trường. Nhưng khi thành lập Dat Bike, tôi mới nhận ra mình phải làm khá nhiều chuyện khác. Tôi phải tuyển dụng, làm bảng lương, quản lý các nhà cung cấp. Đặc biệt, tôi phải đảm bảo khách hàng luôn hài lòng khi đến với chúng tôi.
Tôi còn nhớ, có một buổi sáng đang nằm ngủ sau khi thức đến 1-2h sáng làm việc, một khách hàng ngoài Hà Nội gọi trực tiếp cho tôi báo xe đang chạy thì lại hư. Thế là tôi phải đặt vé máy bay cho nhân viên kỹ thuật ra Hà Nội sửa ngay trong buổi sáng rồi quay về.
– Sau hơn 2 năm về Việt Nam khởi nghiệp, anh được gì và mất gì?
– Tôi được nhiều hơn mất. Trước hết, tôi làm ra một chiếc xe điện như ước muốn, một sản phẩm “made in Vietnam”, Bộ Giao thông Vận tải chứng nhận và người dùng đang sử dụng. Khi đi ngoài đường, tôi tình cờ thấy chiếc Dat Bike Weaver chạy ngang. Cảm giác đó sướng không tả nổi! Tôi không thể nào quên!
Thứ hai, tôi có thể giúp người tiêu dùng đổi từ xe xăng qua xe điện mà hầu như không đánh đổi gì cả. Trước đây, người ta phải đánh đổi sự tiện dụng, công suất vận hành, thời gian nạp năng lượng… để chạy xe điện. Giờ đây, Dat Bike có thể khắc phục. Tôi thấy bản thân thực sự làm việc có ý nghĩa cho người thân, bạn bè và cả xã hội.
Ngoài ra, tôi còn có thêm kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực. Tôi biết quản lý nhân sự, quản lý tài chính, gọi vốn, thương thuyết với nhà đầu tư…
Còn về mất, chắc chỉ là mất ngủ. Đầu 2019, Dat Bike dời từ Đà Nẵng về Bình Dương, công suất sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu. Khách hàng cứ liên tục gọi trực tiếp cho tôi hối thúc, có người còn đòi hủy đơn đặt hàng vì đã đến thời hạn giao. Lúc đó, đội ngũ chúng tôi chỉ có 10 người, không kể vị trí, đều chung tay sản xuất xe. Mọi người thức đêm thức hôm, có ngày chỉ ngủ hai tiếng. Khoảng thời gian đó stress kinh khủng.
Cảnh Sơn (ở giữa) đang làm việc cùng đội ngũ tại nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: Ny Bùi. |
– So với mẫu xe đầu tiên anh tự chế tạo, chiếc Weaver hiện nay thay đổi những gì?
– Weaver hiện tại đã thay đổi rất nhiều thứ. Chúng tôi luôn muốn những linh kiện nào Việt Nam có thể sản xuất, Dat Bike sẽ mua trong nước. Quá trình này rất khó vì ban đầu chúng tôi thật sự không biết nhà cung cấp nào. Rồi vẫn có những thứ trong nước không thể sản xuất, buộc chúng tôi phải thay đổi thiết kế xe.
Sau khi đưa khách hàng và người thân chạy thử, chúng tôi nhận về những phản hồi và tiếp tục cải tiến. Ngoài ra, khi đăng kiểm, Weaver cũng thay đổi một số chi tiết để phù hợp với quy chuẩn và đảm bảo tính an toàn. Đến nay, ước tính đã có hơn 1.000 điểm thay đổi.
– Đâu là điểm cạnh tranh sản phẩm của Dat Bike với các đối thủ trên thị trường?
– Hầu hết xe điện trên thị trường đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng nhu cầu, đặc tính giữa hai thị trường rất khác. Ở Trung Quốc, người dùng ưa loại xe có thiết kế nhỏ, tiện di chuyển trong thành phố với quãng đường ngắn và chỉ một người lái. Còn ở Việt Nam, người dùng đòi hỏi công suất xe điện phải gấp ba lần để di chuyển với tốc độ cao, chở thêm người ngồi sau, lên dốc hay lên cầu thoải mái.
Thêm nữa, khả năng tăng tốc của xe phù hợp với tình hình giao thông trong nước. Khi dừng đèn đỏ hoặc đi giữa dòng xe đông, khả năng này sẽ giúp người lái an toàn và có ưu thế di chuyển hơn. Bên cạnh đó, chiều rộng của xe hẹp hơn các loại khác, giúp người lái dễ di chuyển, thuận tiện cho cả việc tìm chỗ đậu trong các bãi giữ xe đông đúc.
Ngoài ra, cơ chế phanh cũng thiết kế riêng cho tình hình giao thông trong nước. Khi di chuyển trong dòng xe dày đặc, người lái có thói quen vừa giữ tay ga vừa phanh thắng. Còn ở Weaver, khi người lái thả tay ga, xe sẽ tự động phanh lại. Điều này vừa tạo độ an toàn, vừa khiến việc điều khiển xe trở nên đơn giản.
Dat Bike Weaver có thiết kế gọn, dễ di chuyển giữa làn xe đông đúc. Ảnh: Ny Bùi. |
– Kế hoạch của Dat Bike trong tương lai là gì?
Sắp tới, Dat Bike sẽ ra phiên bản tiếp theo của Weaver. Phiên bản này có khả năng chạy 200 km, sạc đầy pin trong hai giờ. Đây cũng là những phản hồi nhiều nhất của khách hàng khi chạy sản phẩm đầu tiên. Trong tương lai xa hơn, khi chúng tôi đã hoàn thiện tốt “nội công” của xe như pin, điều khiển, động cơ… Dat Bike sẽ phát triển thêm nhiều mẫu mã mới để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
– Nếu có một tập đoàn lớn ngỏ ý mua lại Dat Bike, anh nghĩ sao?
– Bản thân tôi linh hoạt, không cứng nhắc về chuyện phải sở hữu công ty. Tôi nghĩ quan trọng vẫn là định hướng của Dat Bike phải giữ vững. Điều tôi muốn là tất cả những người chạy xe xăng sẽ chuyển sang dùng xe điện mà không cần đánh đổi quá nhiều điều.
Tất Đạt
Nguyễn Bá Cảnh Sơn học chuyên về lập trình từ lớp 6. Đến năm lớp 12, chàng trai sinh năm 1990 giành Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế lần XX tổ chức tại Ai Cập. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ khoa học máy tính, anh làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ).
Tháng 12/2018, Cảnh Sơn về Việt Nam và thành lập Dat Bike. Đây là startup sản xuất xe máy điện với sản phẩm đầu tay mang tên Weaver. Chiếc xe có động cơ 5.000 W, tốc độ tối đa 80 km/h, quãng đường đi được 100 km ở tốc độ 40 km/h, sạc đầy pin trong ba tiếng. Giá mẫu xe này đang là 39,9 triệu đồng.
Cuối năm 2019, startup này mở nhà máy ở Bình Dương với công suất lên đến 1.000 xe mỗi tháng. Dat Bike đã đạt kiểm định của Bộ Giao thông Vận tải và bắt đầu giao xe đến người dùng từ đầu năm 2020, doanh số tăng 4.000% so với giai đoạn mới thành lập.
Nguồn: Startup