Với chuyên môn là những kỹ sư nông học và trồng trọt, CEO Lê Thị Thanh Thủy (sinh năm 1984) đã thành lập một thương hiệu rau sạch tại vùng quê hương Bố Trạch, Quảng Bình.
hương đất bị bỏ hoang
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bố Trạch, tình Quảng Bình, chị Lê Thị Thanh Thủy đau đáu với tình trạng đất đai bị bỏ hoang, người dân tại địa phương dần di cư và chuyển dịch sang những nhóm ngành nghề khác và lãng quên nghề nông. Những nông dân còn bám trụ với nghề đang phụ thuộc vào mô hình canh tác độc canh, chưa chú trọng đến việc cải tạo đất và lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cùng với sự tác động của quá trình canh tác và sản xuất lạm dụng hóa chất, môi trường đang ngày càng ô nhiễm từ quá trình tiêu dùng phát sinh nhiều rác thải nhựa.
Chị Thủy nhận thấy thị trường đang rất thiếu nguồn cung thực phẩm an toàn, sản phẩm địa phương tốt nhưng chưa có đầu ra, hoặc có nhưng bị đánh giá thấp so với giá trị thực tế. Hiểu về việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, kích thích sinh trưởng trong sản xuất… là điều nguy hiểm đối với thế hệ trẻ sau này.
Bên cạnh đó, chị là phụ huynh của 2 con nhỏ trong độ tuổi tiểu học, chị quan sát và cảm nhận rõ tình trạng không gian sống xanh ngày càng bị thu hẹp, học sinh thành phố thiếu trải nghiệm thiên nhiên, thiếu quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Chị và ông xã cùng có suy nghĩ mình có thể làm gì để chính các con mình và bạn của các con được sống gần với thiên nhiên hơn.
Trong những năm công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên Hải Nam Trung bộ, vợ chồng chị luôn trăn trở và lo lắng trước thực trạng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình, trẻ em, đến chất lượng sống và sức khỏe giống nòi. Từ những trăn trở đó, chị Thủy đã bàn với chồng về một hướng đi mới. Hai vợ chồng chị quyết định xin nghỉ việc ở cơ quan và thực hiện ý tưởng “xây dựng một mô hình rau sạch theo phương pháp hữu cơ”, thành lập Công ty TNHH MTV An Nông, với thương hiệu Rau sạch An Nông.
Vượt gian khổ để “an nông”
Những ngày đầu bắt tay vào gây dựng tương lai, chị Thủy và gia đình đã đối diện với rất nhiều khó khăn chồng chất. Toàn bộ vốn liếng tích góp được trong bao nhiêu năm cũng chỉ có vỏn vẹn gần 600 triệu đồng, số tiền ban đầu này chỉ đủ để mua được mảnh đất nông nghiệp 2,8ha. Trong lúc đó, số vốn cần đầu tư theo dự toán lên đến 1,3 tỷ, để thực hiện giấc mơ 2 vợ chồng phải vay mượn thêm 700 triệu đồng.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đặc tính về mùa vụ luôn ảnh hưởng trực tiếp đến hợp đồng cung ứng sản phẩm không ổn định; Giá thành sản xuất rau theo hướng hữu cơ cao hơn khá nhiều so với sản xuất thông thường, tính cạnh tranh của sản phẩm cao. Sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất gặp nhiều rủi ro hơn nhiều so với các ngành khác, bản thân chị lại đang thiếu kinh nghiệm về thị trường, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, khu đất mà vợ chồng chị chọn để sản xuất rau theo hướng hữu cơ cách xa với khu dân cư, đường vào trang trại chưa được đầu tư, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc vận chuyển sản phẩm.
Ngày đầu bắt tay vào gây dựng mô hình, dự án đã gặp ngay 2 cơn bão (2016-2017) hoành hành, phá tan những sản phẩm của ngày đầu “khởi nghiệp”.
“Sau bão, tôi như bị bão cuốn đi giấc mơ xây dựng thương hiệu rau sạch mà bản thân luôn ấp ủ và gieo trồng. Trước khó khăn chồng chất đã có những lúc tôi muốn từ bỏ, nhưng vượt lên tất cả, điều giúp tôi thực hiện thành công mô hình rau sạch hữu cơ là niềm đam mê, niềm khao khát về một nền nông nghiệp không hóa chất cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, chị Thủy chia sẻ.
Sau bao khó khăn, đến hôm nay hai vợ chồng chị Thủy cũng đã xây dựng được một trang trại rau sạch trên vùng đất cằn sỏi, đá, với tiêu chí “5 không” (không thuốc trừ sâu hóa học, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không giống biến đổi gene và không thuốc trừ cỏ). Với diện tích 2,8 ha, tổng mức đầu tư lên đến gần 2 tỷ đồng, có 10 công nhân thường xuyên trực tiếp sản xuất, ngoài ra tùy theo mùa vụ để thuê công nhân.
Mỗi năm Rau sạch An Nông cung cấp khoảng 60-70 tấn rau sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh, với trên 40 loại rau, củ các loại theo mùa, doanh thu mỗi tháng từ 400-500 triệu đồng, thu nhập bình quân của công nhân từ 4,5 – 5 triệu đồng/người. Sản phẩm của An Nông đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGap và chứng nhận OCOP.
Tự hào về những thành quả từ sự bền bỉ, vượt nắng, thắng mưa của bản thân và gia đình, chị Thanh Thủy cho biết: “Đến nay, rau sạch An Nông đã khẳng định được thương hiệu, thị trường được mở rộng, là đối tác 3 năm nay của siêu thị Coopmart, cung cấp thực phẩm cho một số trường mầm non và tiểu học trên địa bàn và một số cửa hàng thực phẩm sạch tại các tỉnh lân cận và Hà Nội. Chúng tôi còn xây dựng được hai chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, An Nông còn tổ chức thường xuyên các đợt tham quan trải nghiệm “Bé tập làm nông dân”, “Ngày hè An Nông, nắng trên lá xanh” cho các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh. Những năm cao điểm chưa bị ảnh hưởng của Covid-9 đã tổ thức thành công nhiều đợt tham quan trải nghiệm cho học sinh”.
Nguồn: Khởi nghiệp