Cuộc thi nhằm tìm kiếm các sản phẩm hoặc giải pháp công nghệ sáng tạo có khả năng ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực xã hội.
Bất kỳ ai khi khởi nghiệp cũng mong muốn thành công, từ “công ty trong gara” trở thành biểu tượng như Apple của Steve Jobs. Tuy nhiên, theo số liệu ước tính, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp thì 92% trong số đó thất bại và giải thể trong 3 năm đầu.
Các chuyên gia cho biết, sự thất bại của các startup đến từ nhiều lý do. Họ có thể có ý tưởng nhưng xác định sai giá trị, không đưa ra được giải pháp để giải quyết vấn đề mà xã hội cần, dẫn đến không có thị trường. Những doanh nghiệp xác định được đúng giá trị, lại gặp vấn đề thiếu vốn, thiếu nhân sự chất lượng. Các startup này cũng thiếu người kinh nghiệm để hướng dẫn, phản biện nhằm nhận diện ra vấn đề của sản phẩm để sửa chữa và hoàn thiện. Bên cạnh đó, những phức tạp trong môi trường kinh doanh và sự thiếu rõ ràng về thủ tục hành chính, pháp luật dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp cũng gây khó cho startup.
Theo kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố 8 lĩnh vực ưu tiên là y tế, giáo dục, giao thông, tài chính, nông nghiệp, năng lượng, sản xuất công nghiệp, tài nguyên môi trường, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ các nút thắt.
Hưởng ứng mục tiêu này, ngày 8/7, Viet Solutions 2020 chính thức khởi động, với sự phối hợp giữa 3 bên: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lớn và các nhóm, tổ chức, doanh nghiệp. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các sản phẩm hoặc giải pháp công nghệ sáng tạo có khả năng ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực xã hội.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Cuộc thi nhằm tìm kiếm các nền tảng chuyển đổi số của Việt Nam. Dữ liệu là tài nguyên thì tài nguyên này phải được lưu trữ ở Việt Nam, bởi các nền tảng Việt Nam”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ phát động cuộc thi. |
Không dừng lại ở tìm kiếm và vinh danh, Viet Solutions 2020 còn có nhiều khác biệt. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những startup muốn giải quyết những vấn đề đang nhức nhối trong xã hội hiện nay bằng công nghệ số. Không giới hạn ở Việt Nam, startup có thể đến từ mọi quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, đối tượng tham gia Viet Solutions 2020 là những giải pháp đã giải quyết được vấn đề, chứ không còn là tiềm năng hay ý tưởng. Tuy nhiên, thị trường của các giải pháp này còn nhỏ so với tiềm năng và quy mô của nó. Đội ngũ Viet Solutions có thể quảng bá, giúp startup tiếp cận được đến một cộng đồng lớn hơn và mở rộng thị trường lớn.
Điểm đặc biệt khác của Viet Solution 2020 là cuộc thi được tổ chức bởi Bộ Thông tin và Truyền thông, một cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khẳng định tính chuyên môn cũng như uy tín cho cuộc thi. Bên cạnh đó, hội đồng tư vấn là những chuyên gia công nghệ và kinh doanh giàu kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế sẽ đưa ra các tư vấn chuyên sâu, giúp các startup hoàn thiện giải pháp.
Các chuyên gia thảo luận về chuyển đổi số tại Việt Nam. |
Lợi thế lớn khác cho các startup tham gia là được tư vấn, cung cấp các giải pháp tiếp cận thị trường. Đi kèm khoản thưởng tiền mặt cho các startup được giải là các cam kết hợp tác kinh doanh với Viettel hoặc các doanh nghiệp lớn khác. Trong đó, Tập đoàn Viettel – đơn vị đồng tổ chức Viet Solutions 2020 sở hữu tập khách hàng lớn tới 100 triệu khách hàng tại 11 thị trường ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Đơn vị này còn có thể hỗ trợ về mặt hạ tầng công nghệ băng rộng và băng siêu rộng như 4G, 5G; hạ tầng kết nối vạn vật IoT, hạ tầng Cloud… và kỹ năng triển khai giải pháp hiệu quả tới người dùng cuối.
Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin Truyền thông, những giải pháp hoàn thiện, có khả năng nhân rộng hoàn toàn có thể được triển khai trên hệ thống của các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn khác.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Viettel và các doanh nghiệp chuyển đổi số tại sự kiện. |
“Thiên đường cho các startup không chỉ vì nơi đó có nhiều bộ óc công nghệ xuất chúng. Mà chính bởi nơi đó có rất nhiều công ty lớn sẵn sàng làm bệ phóng, có sự cởi mở và ủng hộ của chính quyền sẵn sàng biến những ‘công ty trong gara’ trở thành giải pháp toàn cầu trị giá hàng tỷ USD”, ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.
“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân. Các sản phẩm, giải pháp sẽ được tìm ra, được nuôi dưỡng, được thúc đẩy đi xa, được áp dụng rộng rãi và được tôn vinh. Cuộc thi này để tìm lời giải cho những bài toán Việt Nam, nhưng cũng là lời giải cho những bài toán toàn cầu” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.