Với tiềm năng về nguồn nhân lực, thị trường, chính sách và các chương trình hỗ trợ hiện tại, Việt Nam được kỳ vọng có khả năng đi ngang với thế giới về mặt công nghệ.
“Càng tiếp xúc nhiều với các dự án, và công ty mới trong lĩnh vực công nghệ, tôi càng tin đây chính là thời điểm vàng đưa Việt Nam trở thành đất nước công nghệ”, ông Nguyễn Duy Khanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần K-GROUP Việt Nam nói và đặt kỳ vọng dựa trên tiềm năng về nguồn nhân lực, thị trường, chính sách và các chương trình hỗ trợ hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đi ngang với thế giới về mặt công nghệ.
Ông Nguyễn Duy Khanh, Tổng giám đốc K-GROUP Việt Nam (Ảnh: FBNV). |
Cũng là thành viên ban giám khảo Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest Việt Nam 2020, ông Khanh cho rằng, từ các cuộc thi này, start-up có cơ hội tìm hiểu nhu cầu thị trường, đúc kết chắt lọc nên làm gì, trước khi đưa ra kế hoạch thay đổi.
Cùng với đó là kết nối với chuyên gia, nhà đầu tư tạo nên lực đẩy bổ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo Ban tổ chức, cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TechFest Việt Nam năm nay đón nhận số lượng lớn các dự án với mô hình kinh doanh thực tiễn, ứng dụng công nghệ để nhân rộng và thoả mãn nhu cầu đa dạng biến đổi của khách hàng.
Bà Mandy Nguyễn, Trưởng ban tổ chức cho rằng, chuyển đổi số đã không còn là một từ khoá xa lạ, mà đã trở thành một thành tố không thể thiếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, đặc biệt là sau Covid-19. “Các ngành công nghiệp truyền thống của đất nước chắc chắn sẽ được đón chào một làn sóng mới những sáng kiến và sản phẩm sáng tạo, đem lại giá trị vượt trội”, bà Mandy Nguyễn chia sẻ.
Cũng trong khuôn khổ cuộc thi, Ban tổ chức vừa công bố 10 đội tham gia vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày 29/11 tới tại Hà Nội.
Quán quân cuộc thi sẽ nhận được tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng giá trị và trở thành đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup 2021 với giải thưởng trị giá 1 triệu USD.
Tốp 3 cuộc thi sẽ có giải thưởng tiền mặt và các gói hỗ trợ kéo dài 3 tháng sau cuộc thi và tốp 10 được lựa chọn cho các khoản cam kết đầu tư đặc biệt lên đến 500 triệu đồng.
Cuộc thi năm nay hướng đến mục tiêu khuyến khích nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao và nhóm doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để xây dựng các mô hình kinh doanh mới.
Hơn 250 hồ sơ được lựa chọn từ vòng sơ loại đều đã có giấy phép đăng ký kinh doanh, có sản phẩm và khách hàng, một số dự án đã đăng ký bản quyền trí tuệ.
Ban giám khảo đánh giá, các dự án thuộc tốp 10 có sự cân đối giữa tính hoàn thiện về công nghệ và tính thực tiễn trong hoạt động kinh doanh hướng đến thị trường rõ ràng.
Năm 2019 được xem là năm rực rỡ với start-up Việt cùng tổng giá trị gọi vốn 861 triệu USD sau 123 thương vụ, giá trị vốn huy động tăng 92% so với năm 2018.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, dưới tác động của đại dịch, các start-up công nghệ chỉ huy động được 222 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019 với 40 thương vụ thành công.
Chia sẻ trong Đặc san toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam năm 2020 do báo Đầu tư vừa phát hành, theo bà Nguyễn Kim Hoa, Trưởng phòng cấp cao Khối dịch vụ tư vấn tài chính Deloitte Việt Nam để cải thiện kết quả thu hút đầu tư, start-up Việt nên điều hướng trọng tâm và tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, cả trên khía cạnh vận hành cũng như gây quỹ để phát triển doanh nghiệp.
Ngoài việc chuyển dịch trọng tâm hoạt động, các start-up Việt có thể tìm hiểu thêm những lĩnh vực hoạt động mới, có thị trường phát triển lớn hơn và những lĩnh vực mà mình có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ nước ngoài như công nghệ y tế, công nghệ giáo dục, công nghệ bảo hiểm,…nhờ am hiểu đặc điểm, nhu cầu, tâm lý khách hàng nội địa.
Nguồn: Báo đầu tư