Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết hiện Việt Nam có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020, ngày 28.11, Bộ KH-CN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức Diễn đàn cấp cao “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Giai đoạn 2016 – 2020 có thể xem là giai đoạn đầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, với sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Trong giai đoạn này, với vai trò chủ trì của Bộ KH-CN và sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã cơ bản được hình thành, các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tương đối đầy đủ, toàn diện và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới.
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng cho biết hiện nay, Việt Nam có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ. Trong đó, có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, việc áp dụng KH-CN sẽ giúp kinh tế, xã hội có sự tăng trưởng nhanh. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích sự sáng tạo, thu hút người tài trong và ngoài nước… để xây dựng đất nước phát triển.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh trong thời gian gần đây, Bộ KH-CN đang cùng các trường đại học xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo ngay trong Trường đại học, Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, hỗ trợ những người làm khởi nghiệp nhằm rút ngắn thời gian hình thành sản phẩm mẫu và sớm đưa vào doanh nghiệp của mình.
Diễn đàn “Kết nối nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp để sớm hình thành mạng lưới không gian sáng tạo, cơ sở trợ giúp kỹ thuật, trung tâm kết nối nguồn lực và tư vấn, cung cấp dịch vụ cho đổi mới sáng tạo tại các cơ sở đào tạo.
Techfest Vietnam 2020 với chủ đề “Thích ứng – Chuyển đổi – Bứt phá” sẽ tiếp nối thông điệp của Techfest các năm trước về kết nối và hội tụ nguồn lực trong nước, quốc tế hỗ trợ khởi nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của dịch bệnh COVID-19. Trong hoàn cảnh khó khăn này, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã chứng tỏ được khả năng thích ứng và đột phá không chỉ trong tăng trưởng về doanh thu mà còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch hiệu quả bằng các giải pháp tiên tiến của mình.
Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sau đại dịch đang trở thành một điểm đến an toàn, uy tín cho các chuyên gia, nhà đầu tư trong khu vực và thế giới; Techfest là một cơ hội lý tưởng để Việt Nam chào đón họ với sự hấp dẫn bởi chính tài năng, chất lượng của một hệ sinh thái đang từng bước được khẳng định trên bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới. Điều đó cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ để tạo nên những thành tựu KH-CN đổi mới sáng tạo trong thời kỳ mới, trở thành đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ.