Vốn xuất thân là giáo viên Vật lý của một trường cao đẳng ở Thái Nguyên, tình yêu với hoa hồng khiến cuộc đời chị rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác.
Tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm Vật lý năm 2000, chị Phạm Thị Hồng Nga trở thành giáo viên của Trường Cao đẳng Cơ khí luyện kim Thái Nguyên. Mặc dù, ngày nhỏ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên nhưng càng đứng trên bục giảng chị càng cảm thấy yêu và gắn bó với nghề.
Nhưng bên cạnh tình yêu với nghề giáo, chị còn có một tình yêu da diết với hoa. 5 năm sau, tình yêu này tạo động lực để chị mở một cửa hàng hoa tươi nho nhỏ. Cùng với đó, chị nhận làm đại lý cho một công ty hoa có tiếng ở Đà Lạt.
Chị chia sẻ, khách hàng tới cửa hàng hoa của chị không giống như các cửa hàng hoa thông thường khác. Họ đều là những người biết chơi hoa và luôn đưa ra những yêu cầu rất cầu kỳ, đòi hỏi sự tư vấn kỹ càng từ người bán. Càng ngày, thương hiệu hoa của chị càng mở rộng và có uy tín trên địa bàn. Chị làm cả điện hoa trong nước và quốc tế.
Đến khi đã có một lượng khách hàng lớn và ổn định từ cửa hàng hoa, chị lại mong muốn có một không gian trồng hoa để khách có thể vào và ngắm nhìn những bông hoa mình tự tay chăm sóc.
Năm 2017, chị bắt đầu trồng hoa hồng ngoại cắt cành để phục vụ cho nhu cầu của cửa hàng hoa. Đến năm 2018, chị mở rộng quy mô và chuyển đổi sang mô hình trang trại. Bên cạnh khu vực hoa cắt cành để phục vụ cửa hàng hoa và nhà hàng hoa cà phê, chị trồng thêm 1.000 gốc hồng cổ Sapa để chưng cất nước hoa hồng.
“Nhảy” sang một mảng hoàn toàn mới, chị Nga phải học hỏi từ đầu và học hằng ngày. Vì trồng hoa để làm sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, chị chọn cách trồng hữu cơ – tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng.
“Sản phẩm hữu cơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ giống cây cho tới cách chăm sóc, bón phân… Nhiều người vẫn than là trồng hoa hồng khó chăm sóc. Đó là vì từ lúc mua cây, nhiều người đã mua phải cây đã kích thích tăng trưởng, trông bề ngoài thì rất đẹp nhưng đến khi mang về chăm sóc sẽ bị chết dần đi. Còn cây của mình khi còn là cây giống trông rất còi cọc, nhưng càng chăm bón thì càng có độ ‘bật’ lên”.
Khi trang trại hoa hồng càng ngày càng phát triển, công việc chăm sóc chiếm nhiều thời gian hơn, đầu năm 2018, chị quyết định nghỉ dạy.
Sản phẩm nước hoa hồng của chị ban đầu nhận được sự ủng hộ từ chính những khách hàng của cửa hàng hoa. Họ cũng chính là những người đã tin tưởng, động viên chị làm tốt hơn để cho ra những sản phẩm an toàn – không hương liệu, không chất bảo quản.
Đến nay, trang trại hoa hồng của chị đã có khoảng 2.000 gốc cả to cả nhỏ, trong đó chủ yếu vẫn là hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng, hồng bạch ho, bạch xếp, hồng cổ nhung, hồng đào…
Chị Nga chia sẻ, khi đã làm quy mô lớn hơn, rất nhiều khó khăn ập đến. Chị không thể chưng cất theo kiểu thủ công được nữa nhưng do chưa có máy móc, chị phải đi thuê hoặc mượn máy.
Bên cạnh mảng chưng cất nước hoa hồng, chị Nga cũng có thêm nguồn thu từ việc bán giống cây cho các đơn vị: trường học, dự án, nhà riêng…
Nhưng việc mà chị trăn trở nhất và mong muốn hiện thực hóa nhất ở vườn hoa hồng của mình là biến nó thành một điểm trải nghiệm giáo dục cho trẻ em. “Tôi xuất thân là một giáo viên, nên còn rất nhiều tâm huyết với trẻ em, với giáo dục. Tôi muốn vườn hồng của mình khác với những khu vườn khác. Hiện tại, tôi đang mở cửa chào đón các đoàn khách là học sinh của các trường mầm non, tiểu học… tới ghé thăm, trải nghiệm các hoạt động tại vườn”.
Chính vì thế mà vườn hồng của chị còn có cả các hạng mục nhỏ khác như: vạt chè, khu vực trồng rau, khu vực trải nghiệm làm nông dân, vườn ổi… để phục vụ mục đích này.
“Thực ra, ở mảng này, tôi vẫn còn đang thử nghiệm, làm vì đam mê, gần như chưa có thu phí”.
Mới đây, chị vừa giành giải Liên kết sáng tạo gia tăng giá trị cho cộng đồng trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp 2020 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Với phần thưởng trị giá 270 triệu đồng, chị sẽ được đầu tư một bộ máy móc bao gồm: máy chưng cất, máy sấy cánh hoa, máy bơm, máy cắt cỏ… cùng với những khóa tập huấn chuyên môn hữu ích.
Bây giờ, công việc hằng ngày của chị tương đối bận rộn – sáng làm việc ở cửa hàng hoa, chiều làm công việc giấy tờ hoặc xuống vườn.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước mà chị phải đối mặt, như khó khăn về vốn, về đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, hội nhóm, chị vẫn lạc quan với hướng đi mới của mình.
“Xuất thân là một giáo viên, chuyển sang làm nông dân, nắng mưa trải qua đủ cả nhưng tôi chưa bao giờ thấy nản chí vì đây là công việc mà tôi đam mê” – chị Nga chia sẻ.