Khởi nghiệp (hay startup) phải khởi tạo ra công việc mới, nghề nghiệp mới. Lập nghiệp thì chỉ được coi là “setup”. Điển hình, Grab, Uber, Airbnb chính là ví dụ của khởi nghiệp. Những doanh nghiệp được lập sau đó như Gojek hay be chỉ nên coi là lập nghiệp.
Chiều 19/9 đã diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tập đoàn Cen Group về việc nhận sinh viên thực tập, tuyển dụng sinh viên, tổ chức các hoạt động đào tạo và các hoạt động hợp tác khác.
Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo giảng viên Đại học Kinh tế, các bạn sinh viên, ban lãnh đạo Cen Group, đặc biệt là shark Phạm Thanh Hưng. Tại đây, phó chủ tịch Cen Group dành nhiều chia sẻ, lời khuyên cho các bạn trẻ.
“Nhiều sinh viên kỳ vọng nghe được nghe chia sẻ về thành công của tôi hay người khác, tò mò xem tôi đọc sách gì, học trường, chơi môn thể thao nào hay chơi với ai. Nhưng nếu ai làm như vậy cũng thành công thì tỷ lệ người khởi nghiệp thành công trên thế giới đã không thấp đến thế.
Khởi nghiệp cần thiên thời địa lợi, thời của chúng tôi cũng khác với bây giờ. Tuy nhiên, có một điều không bao giờ thay đổi đó là con người muốn thành công thì phải xác định được rằng mình đang bán cái gì”, ông Hưng mở đầu cuộc trò chuyện.
Ai cũng phải bán thứ gì đó trong đời
Kỹ năng bán là bí quyết của sự thành công cho tất cả mọi người trên thế giới này. Ai cũng phải bán một cái gì đó trong đời, vấn đề là các bạn bán nó với giá bao nhiêu. Đơn giản nhất là bán thời gian, sức khỏe, kiến thức, trí tuệ, kỹ năng của chúng ta. Tất cả đều bán ra tiền. Nhưng nếu càng gia tăng giá trị cho nó thì càng bán được với giá cao.
Tuy nhiên, phải biết được người mua cần gì và trau dồi nó. Điều này đúng trong cả kinh doanh hay các mối quan hệ. Nói tóm lại, phải biết mình – tức mình có gì và biết người – tức họ cần gì ở chúng ta.
Bàn về những yếu tố cần để bắt đầu khởi nghiệp, ông Hưng chỉ ra 3 yếu tố.
Thứ nhất, phải biết được rõ đam mê của mình.
“Đam mê khác với thích thú ở chỗ nó sẽ khiến bạn sẵn sàng đánh đổi, hy sinh những điều khác. Còn nếu thứ gì cũng đam mê tức là không đam mê gì cả”, shark Hưng chia sẻ.
Thứ hai, xác định năng lực của bản thân. Ngay từ việc học hay chọn công việc tương lai cũng phải phù hợp với năng lực của mình. Năng lực có thể là khả năng tiềm ẩn hoặc từ rèn luyện mà ra, được tạo nên bởi thái độ đối với công việc, kỹ năng và kiến thức.
Yếu tố cuối cùng nhưng lại có tính quyết định đến sự thành công đó là sự hiệu quả.
“Công việc mà chúng ta làm có ai cần hay không? Người ta có sẵn sàng trả giá cho nó không? Chúng ta có làm tốt hơn, nhanh hơn, rẻ hơn, nhiều hơn hay tiện lợi hơn, đẹp hơn người khác hay không? Khách hàng cần sản phẩm của bạn đến mức độ nào? Nếu tìm được long mạch đó thì chúc mừng bạn đã sẵn sàng để khởi nghiệp.”
Phân biệt rõ khởi nghiệp với lập nghiệp, kế nghiệp
Vị shark cho rằng không khởi nghiệp cũng không sao.
Ông cho biết “khởi nghiệp” là từ khóa hot đối với giới trẻ hiện nay, chưa bao giờ phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam lại “nóng” đến vậy. Tuy nhiên, đáng buồn là xu hướng này vẫn chỉ dừng lại ở phong trào, tỷ lệ thành công nói chung chưa cao.
“Hãy khởi nghiệp khi chúng ta đã thực sự sẵn sàng chứ không phải chỉ bằng đam mê hay niềm tin. Khi đã sẵn sàng, hành động rồi thì đừng nghĩ đến thất bại. Nhưng trước khi hành động hãy nghĩ cho kỹ.”
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Cen Group nhấn mạnh, đừng nhầm lẫn khởi nghiệp với lập nghiệp hay kế nghiệp. Chúng ta có thể lập nghiệp bằng nhiều cách, đi làm thuê hay làm giáo viên, bác sĩ,… để cống hiến và kiếm được tiền.
Làm chủ doanh nghiệp không có nghĩa là khởi nghiệp. Khởi nghiệp hay startup phải khởi tạo ra công việc mới, nghề nghiệp mới. Lập nghiệp thì chỉ được coi là “setup”. Điển hình, Grab, Uber, Airbnb chính là ví dụ của khởi nghiệp. Những doanh nghiệp được lập sau đó như Gojek hay be chỉ nên coi là lập nghiệp.