Suy nghĩ cho rằng chỉ cần với một ý tưởng “ngon lành”, một doanh nghiệp sẽ tự vận hành tốt có lẽ chỉ là truyện viễn tưởng trong các câu chuyện start-up. Song hành cùng bất cứ ý tưởng kinh doanh tuyệt diệu nào cũng là hàng loạt công việc phải làm cũng như trách nhiệm cần thực hiện khác.
Bạn không chỉ cần đơn giản là vẽ ý tưởng lên một trang giấy, mà còn cần tạo ra, tung ra, duy trì và phát triển nó trở thành hình hài cụ thể, và mỗi giai đoạn này lại yêu cầu các yếu tố tương ứng. Những gì ban đầu chỉ là ý tưởng sẽ ngay lập tức dẫn bạn đến hàng loạt câu hỏi: Mô hình kinh doanh của bạn là gì? Các vấn đề mà start-up của bạn sẽ giải quyết được là gì? Giải pháp của bạn thực sự khác biệt ở đâu? Danh sách câu hỏi sẽ tiếp tục dài ra nhanh chóng. Vậy khởi nghiệp không đơn thuần là thiết kế nên một ý tưởng mà là một cam kết trọn vẹn của người khởi nghiệp về một doanh nghiệp bao gồm marketing, bán hàng, nhân sự, tài chính và vô vàn yếu tố khác.
Hẳn nhiên một số lượng không hề nhỏ các start-up đã thất bại. Và sau các thất bại ấy lại có rất nhiều start-up khác đã thành công. Các bí kíp đã được đúc kết lại sau những trải nghiệm kinh doanh đầu tiên của những nhà quản trị hàng đầu rất đáng để tham khảo nếu bạn đang ấp ủ cho riêng mình một dự định khởi nghiệp:
Khởi nghiệp bằng vấn đề, không phải giải pháp
Những ý tưởng tuyệt vời nhất luôn xuất phát từ việc giải quyết các vấn đề nhức nhối hiện hữu. Vậy thay vì tự giới hạn bản thân bằng cách xây nên 1 ý tưởng bất kỳ, hãy đi từ việc cụ thể giải quyết một vấn đề. Ý tưởng có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, nhưng nếu những điểm cốt lõi nhất cần được giải quyết lại không tồn tại, không giải quyết được – thì việc thất bại là điều khó tránh khỏi.
Bạn không cần thiết phải tìm kiếm những vấn đề quá to tát ở tầm vĩ mô, hãy nghĩ lớn nhưng không ngần ngại bắt tay vào việc giải quyết những vấn đề nhỏ, gần gũi. Nhiều nhà khởi nghiệp lần đầu luôn cố gắng tìm cách giải quyết những vấn đề khổng lồ để thực sự tạo một sự đột phá lớn nhưng tỷ lệ những người thành công là cực kỳ ít ỏi, thông thường các vấn đề quá lớn sẽ đặt ra quá nhiều thách thức không thể vượt qua đối với những người chưa có kinh nghiệm.
Một trong những cách hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ thất bại nhanh chóng và giảm thời gian đánh giá liệu ý tưởng của bạn có thực sự tiềm năng hay không, là tự đặt cho mình các câu hỏi:
– Vấn đề là gì?
– Vấn đề lớn/nghiêm trọng đến đâu?
– Những điểm cốt lõi cần được giải quyết của vấn đề là gì?
– Đã có những giải pháp nào trên thị trường cho vấn đề?
Nếu bạn khó khăn trong việc trả lời bất cứ câu hỏi nào trên đây, hay bạn chưa thực sự nghiên cứu được đầy đủ, hay những điểm cần quan tâm giải quyết nhất của vấn đề lại chưa đủ mạnh (để thực sự cần được giải quyết), thì có lẽ ý tưởng của bạn chưa nên đưa vào thực tế.
Bán hàng trước là bước chuẩn bị quan trọng trước khi đầu tư
Xây dựng các mối quan hệ và bán trước sản phẩm, dịch vụ của bạn cho khách hàng tiềm năng là một trong những cách nhanh nhất để đánh giá sự đón nhận của thị trường đối với sản phẩm, dịch vụ đó trước khi tung ra một cách chính thức. Hãy tưởng tượng bạn đã mất cả một giai đoạn phát triển ý tưởng, sản xuất sản phẩm hay xây dựng các bước cung cấp dịch vụ một cách hoàn chỉnh nhất, chỉ để nhận ra rằng người mua hoặc người sử dụng mà bạn hướng tới không muốn sử dụng nó. Khi đó các nguồn lực thực sự bị lãng phí. Hơn nữa, bán hàng trước cho phép bạn thu thập những thông tin quan trọng để xây dựng/điều chỉnh sự khởi đầu đáp ứng đúng các điểm cốt lõi trong nhu cầu của khách hàng.
Bán hàng trước không chỉ giới hạn ở việc bán sản phẩm, dịch vụ của bạn trước khi thực sự bắt đầu mà còn bao gồm việc sớm nhận được các cam kết mua hàng từ các khách hàng tiềm năng. Bạn nên cố gắng thu thập, xác định được các cam kết mua hàng này từ người dùng và người mua mục tiêu càng nhiều càng tốt trước khi khởi chạy. Tuy nhiên đừng quá dồn dập hay quá tải so với khả năng cung cấp của bạn. Cần xác định rõ: Bao nhiêu là đủ? Đặc biệt là khi bạn đang định tung ra một sản phẩm khả thi tối thiểu (bản dùng thử sản phẩm được tạo ra nhanh nhất có thể để kiểm nghiệm thực tế ý tưởng). Việc làm này sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro thị trường đối với sản phẩm hay dịch vụ sẽ cung cấp.
Tự lực và sử dụng các nguồn lực của chính mình
Rất nhiều nhà khởi nghiệp tin rằng họ cần những nguồn tài chính từ bên ngoài để start-up của mình có thể đi vào vận hành. Nhưng nhiều công ty lớn sẽ chứng minh tính thuyết phục trong mô hình của họ trước khi kêu gọi vốn và thậm chí trước cả khi họ phải bỏ vốn của mình. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đó sẽ tự khởi động và đầu tư thời gian của chính mình trước khi chấp nhận bất kỳ điều gì khác. Vậy bài học được đưa ra là: Tối đa hóa các nguồn lực và khả năng của chính mình trước khi đầu tư tiền vào người khác.
Bạn đang tìm cách thuê ai đó để bán hàng? – Hãy tự mình thực hiện trước. Bạn định trả tiền cho ai đó để xây dựng một trang web tương đối đơn giản cho doanh nghiệp sắp thành lập của mình? – Sao không thử sử dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến với giá thành rất rẻ để phát triển trang web như WordPress hay SquareSpace. Danh sách các việc cần thuê còn tiếp tục dài ra nữa và nếu lựa chọn không sử dụng các nguồn lực và khả năng sẵn có của chính mình thì chẳng khác nào bạn đã đào một cái hố tài chính rồi tự chôn mình vào đó. Nhiều start-up đã thất bại, vì vậy cách tốt nhất để làm cho việc khởi nghiệp dễ dàng hơn cho chính bạn là cố gắng giảm thiểu các nguy cơ nhiều nhất có thể, đặc biệt các vấn đề liên quan tới tiền bạc và thời gian.
Hãy vui vẻ và tận hưởng cơ hội
Điều cuối cùng trong số các bí kíp, nhưng có thể lại là điều quan trọng nhất cho một start-up.
Là một doanh nhân đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro – từ các rủi ro cá nhân cho tới tài chính. Do đó, thái độ quan trọng nhất bạn nên mang theo trong suốt hành trình khởi nghiệp là sự tận hưởng. Đừng lo sợ khi bạn tận hưởng niềm vui và mắc phải một số sai lầm nào đó. Quá nhiều doanh nhân tự biến mình thành những chiếc máy làm việc và tự đánh mất tính sáng tạo ban đầu, trong khi hoàn toàn có thể duy trì vừa làm việc nghiêm túc vừa vui vẻ.
Cách tốt nhất mà nhiều doanh nhân đã tìm thấy là luôn sáng tạo trong khi duy trì công việc đó là không ngần ngại dành hẳn một khoảng thời gian trong ngày để khám phá các quan điểm và ý tưởng mới. Áp dụng cách này chắc chắn bạn sẽ thúc đẩy sự sáng tạo trong công việc tốt hơn là quay cuồng với một guồng công việc ngày nào cũng như nhau đầy nhàm chán.
Những bí kíp này không đảm bảo cho start-up của bạn ngay lập tức thành công. Nhưng chắc chắn chúng sẽ phần nào giúp bạn tối đa hóa tiềm năng của mình đồng thời giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải, đặc biệt nếu đây là lần đầu tiên bạn xây dựng doanh nghiệp cho riêng mình.