Điểm chung của hàng loạt các doanh nghiệp nổi tiếng như GM, Burger King, CNN, Uber, Airbnb…là đều được lập ra trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Hãng General Motors (GM) được sáng lập vào năm 1908 khi nền kinh tế Mỹ mới trải qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907. Burger King thì được thành lập vào năm 1953 khi kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái còn CNN thì được xây dựng thành hãng tin vào năm 1980, thời điểm lạm phát tại Mỹ cao tới 15%.
Trong khi đó, cả Uber và Airbnb đều được khởi dựng vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chưa trôi qua hết.
Những startup khởi nghiệp thành công trong giai đoạn khủng hoảng 2008.
Theo trung tâm Bipartisan Policy Centra, những ví dụ trên cho thấy khủng hoảng, suy thoái thực tế lại là cơ hội lớn để những doanh nhân khởi nghiệp. Chính những khó khăn của nền kinh tế lại khiến những công ty này trở nên kiên cường và bền vững hơn khi mọi thứ hồi phục trở lại.
“Đây thực sự là lửa thử vàng. Nếu bạn khởi nghiệp trong thời suy thoái, bạn sẽ phải gồng mình hơn nhiều so với thời bình thường để vươn tới thành công. Bạn sẽ phải khởi nghiệp khi khó tiếp cận được nguồn vốn và sẽ phải kiếm khách hàng khi nhu cầu thị trường không cao”, Chuyên gia Dane Stranler của Bipartisan nhận định.
Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu cũng đang trong thời kỳ khủng hoảng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 cũng như lệnh cách ly trên toàn cầu. Đó là chưa kể đến nỗi sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu thị trường giảm cùng với hàng loạt khoản tiền cứu trợ làm tăng mạnh tỷ lệ nợ công.
Ngân hàng thế giới World Bank dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 5,2% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946 và từ sau Thế chiến II đến nay.
Trong khi đó, nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ hiện đã lâm vào suy thoái còn ngân hàng trung ương Anh thì dự đoán quốc gia này sẽ suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1706.
Tuy nhiên rõ ràng những minh chứng của các công ty nổi tiếng cho thấy thành công thường được sinh ra trong thời kỳ khó khăn. Phải chăng sẽ có một startup khởi nghiệp vào năm khó khăn 2020 để rồi tỏa sáng những năm sau đó?
Trên thực tế, rất nhiều nhà khởi nghiệp đã chọn năm 2020 để bắt đầu sự nghiệp của mình bất chấp dịch Covid-19. Tại Mỹ, khoảng 67.160 đơn xin mở doanh nghiệp đã được nộp vào tuần cuối cùng của tháng 5/2020, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu so sánh năm 2019 với 2018 trong cùng kỳ, con số là giảm 3,3%.
Giáo sư kinh tế Robert Fairlie.
Giáo sư kinh tế Robert Fairlie của trường đại học University of California Santa Cruz cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng bởi việc giảm thiểu cơ hội cho những việc làm cố định sẽ kích thích nhiều nhà khởi nghiệp đi theo con đường riêng của mình.
“Nếu ai đó mất cơ hội kiếm một công việc ổn định, đó có thể là một phần nguyên nhân thúc đẩy họ tự xây dựng một startup cho riêng mình. Thêm nữa, việc cách ly khiến nhiều người có thời gian ở nhà để suy nghĩ cho sự nghiệp riêng của bản thân thay vì cắm đầu vào guồng quay công việc thường này. Khi đó nếu họ có ý tưởng hay thì có lẽ họ sẽ thử khởi nghiệp”, Giáo sư Fairlie nhận định.
Cơ hội mùa dịch Covid-19
Nhiều startup nhận ra rằng dịch Covid-19 là cơ hội để kinh doanh cũng như chung tay chống dịch bệnh cùng xã hội, đặc biệt là những công ty kinh doanh trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe hay đồ bảo hộ mùa dịch.
Ví dụ như Aerosol Shield, một startup của vợ chồng Matthew Campbell Hill chuyên sản xuất thiết bị lồng nhựa nhỏ bao quanh phần đầu nạn nhân để giảm thiểu sự tiếp xúc với các nhân viên y tế trong quá trình điều trị, đồng thời ngăn được nhưng hạt bắn khi bệnh nhân ho.
“Ban đầu chúng tôi khi định khởi nghiệp nhưng quá trình này lại diễn ra vô cùng nhanh chóng. Từ lúc có ý tưởng đến khi thành lập công ty chỉ mất có 6 ngày. Thậm chí chúng tôi nhận được vô số đơn hàng trước khi kịp thành lập xong doanh nghiệp vào ngày thứ 7”, anh Campbell Hill cho biết.
Anh Campbell Hill vốn là chuyên gia lâu năm của Viện khoa học sức khỏe thuộc trường đại học Birmingham. Vợ của anh là chuyên viên của Airquee, một công ty chuyên sản xuất đồ bảo hộ cho quân đội cũng như các tổ chức nhân đạo. Startup Aerosol của 2 vợ chồng đã nhận được vô số đơn đặt hàng trong ngày thứ 2 khi mới được thành lập trước nhu cầu cấp bách mùa dịch.
Sản phẩm của Aerosol Shield.
Một startup nữa cũng đã khởi nghiệp thành công mùa dịch tại Anh là Hidden Smile, chuyên cung ứng khẩu trang mùa dịch, được xây dựng chưa đến 1 tháng bởi ông Neil Cotton. Ngoài ra, nhiều startup chuyên về mảng giao hàng hay phục vụ mùa dịch cũng đua nhau thành lập trước những nhu cầu mới của người tiêu dùng thời dịch bệnh.
Thậm chí, nhiều hãng khởi nghiệp trước đó nhưng nắm bắt được cơ hội mùa dịch Covid-19 cũng kinh doanh thành công. Cô Nicole Gibbons, nhà sáng lập hãng cung ứng sơn Clare năm 2018 cho biết doanh số đã tăng mạnh nhờ lệnh cách ly.
“Thông thường mọi người sẽ chỉ sơn sửa lại nhà cửa vào cuối tuần khi có thời gian rảnh. Tuy nhiên giờ đây khi phải ở nhà và chẳng có nhiều việc để làm, sơn sửa một cái gì đó có khi lại là niềm vui”, cô Gibbons hồ hởi nói.
Theo chuyên gia Markus Berger de Leon của hãng McKinsey, mọi người nên nghĩ kỹ và hướng đến tương lai dài hạn trước khi quyết định khởi nghiệp. Tuy nhiên khi đã quyết tâm thì nên hành động nhanh chóng trước khi thời cơ trôi qua.
“Bạn nên tự hỏi ‘Liệu tôi có nên tiêu tốn công sức, tiền bạc cho startup này không hay chi cho thứ khác đáng giá hơn?’… Hãy nghĩ về việc khởi nghiệp mà chỉ có ít vốn cũng như làm mọi thứ phải nhanh nhất có thể bởi những startup sống sót được qua thời kỳ suy thoái đều là những công ty có độ thích nghi vô cùng mạnh”, Chuyên gia Markus nhấn mạnh.