Không quá khi gọi đó là “làn sóng” bởi giữa khó khăn của dịch Covid -19 ở xứ người, những người Việt trẻ càng thể hiện mạnh mẽ hơn tinh thần hướng nghiệp và khởi nghiệp vì tương lai tươi sáng hơn…
Vượt qua thử thách
So với bốn mùa giải thành công trước đây, Cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu (VietChallenge) do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức năm nay là mùa giải đặc biệt nhất, bởi các giai đoạn triển khai đến hiện tại được thực hiện hoàn toàn qua trực tuyến.
Thế nhưng, không giảm đi sức nóng và sự cuốn hút, Cuộc thi vẫn đang là diễn đàn sôi nổi, tạo điều kiện cho thanh niên và startup trẻ có cơ hội cọ sát, nâng cao kỹ năng và góp phần quảng bá, thiết lập mối quan hệ với nhà đầu tư tương lai.
Đáng chú ý, mùa giải 2020 có sự xuất hiện của hai sự kiện mới là Đấu trường Startups 100 và Vietnam Startups Championship tại Mỹ có sự góp mặt của những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà cố vấn khởi nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước dự kiến tháng 10 tới.
Có thể nói, những cố gắng trong công tác tổ chức đã thể hiện sức “trẻ” và “khỏe” của những người Việt trẻ luôn sẵn sàng đối diện với thử thách để sáng tạo và đi tới thành công.
Không chỉ có VietChallenge, tinh thần khởi nghiệp và hướng nghiệp này còn đang lan tỏa rộng rãi trong người những Việt trẻ tại Mỹ, giống như việc ra đời Học viện Đào tạo kỹ năng và Hướng nghiệp quốc tế (CPI) của CEO Tony Dương và những đồng nghiệp năng động của anh.
Dù chỉ mới thành lập được 2 năm nhưng CPI đang hỗ trợ tích cực cho các du học sinh nhằm hướng chiến ngành nghề và đào tạo các kỹ năng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế để khởi đầu sự nghiệp.
Với định hướng cốt lõi là “nắn từ gốc rễ chứ không cố sửa ngọn”, Tony Dương đã cùng những người bạn của mình dùng kiến thức để đào tạo bài bản, có phương pháp, huấn luyện chuyên sâu, giúp các bạn trẻ có nền tảng kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp hơn.
Đặc biệt, theo anh, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cả thế giới chuyển nhanh sang thời đại 4.0, kéo theo những thay đổi lớn về xu hướng ngành nghề, cơ hội việc làm và sự xuất hiện của các nhóm kỹ năng mới cho người lao động trong tương lai.
Và để có được những kỹ năng thích ứng mới này, những tháng gần đây, CPI thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo hướng nghiệp trực tuyến có sự tham gia của những startup tài năng ở Mỹ như Văn Đinh Hồng Vũ – nhà sáng lập của Elsa, Trần Việt Hùng – nhà sáng lập của Got It…
Những buổi nói chuyện bổ ích này giúp các bạn trẻ có cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc hơn về việc làm trong giai đoạn đầy biến động hiện nay.
Kỹ năng… “săn việc”
Thống kê gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 17,1% (hơn 1/6) số lao động trẻ trên toàn cầu đã bị mất việc làm. Đây cũng là nỗi lo lắng thường trực của những người Việt trẻ tại Nhật Bản – một đất nước “khắt khe” hàng đầu trong yêu cầu về chất lượng cũng như kỷ luật lao động.
Thế nhưng, như nắm bắt được tâm lý công đồng, tổ chức Vietnamese Professionals In Japan (VPJ) của những người Việt trẻ tại Nhật đã tạo ra nhóm “Đi làm tại Nhật” nhằm hỗ trợ các thành viên định hướng và phát triển sự nghiệp.
Dù chỉ mới thành lập được 1 tháng nhưng nhóm này đang trở thành diễn đàn sôi nổi với sự tham gia của hơn 2.000 thành viên đang hoạt động trong các ngành nghề khác nhau trên tinh thần chia sẻ đầy tích cực, truyền cảm hứng và đem lại nhiều thông tin bổ ích cho cộng đồng người Việt đi làm tại Nhật.
Tại đây, nhiều thành viên đã chia sẻ những ý tưởng thú vị trong mùa dịch như “ở nhà làm vlog” cùng sự tham gia của 3 Youtubers tại Nhật: Hồng Nhung (Vietnamese Living in Japan), Boon Trang và Giang Vũ. Diễn đàn cũng dành không gian chia sẻ cởi mở hơn cho người Việt Nam đang trong quá trình tìm việc, làm việc và chuyển việc tại Nhật Bản, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn của dịch Covid-19.
Thành viên Việt Hà – người có kinh nghiệm ở mảng tư vấn chứng khoán, làm tư vấn chiến lược mở rộng thị trường cho các sản phẩm và mảng giáo dục cho rằng: “Thái độ với cuộc sống và các mối quan hệ cho đến năm 30 tuổi của các bạn sẽ quyết định rất nhiều đến công việc, cuộc sống.
Nếu bạn có một network tốt thì dù làm bất cứ cái gì cũng dễ thành công. Tại sao là 30? Vì học thường đến 22-23, đi làm, trải nghiệm lăn lộn qua 1-2-3 công ty với những kinh nghiệm trong nhiều môi trường khác nhau sẽ định hình tốt về tương lai”.
Cô cũng bật mí bí quyết của mối quan hệ dài lâu đóng góp vào thành công trong khởi nghiệp tại Nhật Bản và hạnh phúc trong cuộc sống tại Nhật là thái độ: Trân rrọng – Thành thật – Tin tưởng – Tận tâm.
Khi nói về quá trình tìm việc tại Nhật, thành viên Lê Gia Khánh chia sẻ chân tình: “Theo tôi, không có công thức chung cho việc khi mới ra trường nên làm công ty lớn hay công ty nhỏ, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu của mỗi người và đặc thù của từng công ty nữa. Trong trường hợp của tôi, tôi lựa chọn theo tiêu chí là vào đâu thì học được nhiều nhất nhanh nhất”.
Lan Trần – cô gái với những kinh nghiệm sau khi trải qua đủ “hỷ nộ ái ố” trên hành trình khởi nghiệp ở xứ người thì kết luận: “Luôn đặt bản thân trong tâm thế tiến về phía trước, suy nghĩ bước tiếp theo trong sự nghiệp của mình là gì, cần những kỹ năng nào, tìm cách học và áp dụng kỹ năng và kiến thức mới trong công việc hiện tại, để khi có cơ hội đến thì mình có thể nắm bắt ngay!”
Sẵn sàng… hậu Covid-19
Thời gian qua, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp cũng luôn là một trong những hội sinh viên nổi bật với rất nhiều hoạt động phong phú và ấn tượng trong mùa dịch Covid-19. Không chỉ hướng về quê hương đất nước, tri ân nước sở tại và tương trợ bà con cộng đồng, những người Việt trẻ tại Pháp cũng luôn sát cánh trong hoạt động khởi nghiệp cho tương lai.
Điển hình là chuỗi sự kiện hướng nghiệp cho những người Việt trẻ tại Pháp, đã được Hội sinh viên Việt Nam tại Paris (UEVP) tổ chức với tần suất mỗi tháng 1 số trên nền tảng trực tuyến.
Với vai trò là đại diện cho du học sinh Việt Nam tại Paris, ngoài việc tổ chức những chương trình văn hóa, thể thao kết nối cộng đồng, thì UEVP với sự nhiệt tình của Chủ tịch Nguyễn Thanh Tùng luôn mong muốn đồng hành cùng các bạn du học sinh trong quá trình học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm tại Pháp.
Ở Pháp, Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cũng đang trong giai đoạn nước rút của cuộc thi Đổi mới sáng tạo #Hack4growth – Covid Endgame, dưới sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Cuộc thi cũng chính là mảnh đất sáng tạo cho người Việt trẻ nhằm thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo; kết nối các nhà sáng tạo và nhà đầu tư, doanh nghiệp; hướng xã hội chung tay tìm giải pháp cùng đất nước vượt qua những thách thức hiện nay.
Với thông điệp “Đất nước cần bạn”, #Hack4Growth-Covid Endgame có sứ mệnh là hướng xã hội chung tay tìm ra giải pháp, tạo cảm hứng, lời hiệu triệu quốc gia, đưa đến niềm tin hành động và tinh thần “kiên cường” vượt qua thách thức chung của đất nước. Cùng với cuộc thi này, những người Việt trẻ trên khắp thế giới có thể chung tay cùng đất nước bằng các ý tưởng sáng tạo có thể đóng góp lớn cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19.