Lê Văn Vương dành nhiều thời gian lăn lộn trên rẫy để thuyết phục nông dân tin và thay đổi thói quen canh tác truyền thống sang mô hình organic.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Giao thông Vận tải 3 tại TP HCM, Lê Văn Vương (sinh năm 1984, ở xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) có vài năm dong duổi các dự án cầu đường. Năm 2011, dự án riêng thất bại, Vương loay hoay tìm hướng khởi nghiệp mới. “Nhiều người Sài Gòn có thói quen uống cà phê mỗi sáng, hoặc gặp bạn bè, đối tác. Bản thân tôi lớn lên tại thủ phủ cà phê, nên tôi muốn tìm cơ hội trên mảnh đất này”, anh nhớ lại.
Đầu năm 2012, Vương làm nhân viên kinh doanh cho hai hãng cà phê tại địa phương. Sau đó không lâu anh thành lập công ty Vương Thành Công. Thị trường cà phê Việt Nam vốn thuộc một số doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài. Để có thể chen chân bằng thương hiệu riêng, cần có kinh nghiệm thực tế. Vương đã đến nhiều vùng trồng nổi tiếng, trong đó có Cầu Đất (Lâm Đồng) học hỏi thêm kinh nghiệm.
Thời gian này anh nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm sạch – tốt cho sức khỏe. Cà phê organic được anh xác định là hướng riêng. Để có sản phẩm sạch, trước tiên cần vùng nguyên liệu sạch. “Bà con Bana, Ê-đê canh tác chủ yếu theo thói quen, sản phẩm không đạt chất lượng cao cho xuất khẩu. Đây cũng là trở ngại lớn nhất khi tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu”, kỹ sư 8x nói.
Rồi Vương cũng thuyết phục thành công một hộ gia đình đầu tiên trồng thí điểm 1,4 ha cà phê hữu cơ tại thôn Cao Thành, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. “Để bà con đồng ý chuyển hướng canh tác mới không hề đơn giản. Vì cách làm phức tạp hơn, họ cũng hoài nghi năng suất thấp”, anh Vương chia sẻ.
Trong năm đầu tiên, anh trực tiếp cùng người trồng cải tạo, giải độc đất bằng các chế phẩm sinh học. Với nguồn giống chất lượng cao, quá trình chăm sóc tỉ mỉ hơn cách trồng thông thường. Do không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cây cà phê organic cần nguồn phân bón vi sinh đảm bảo dưỡng chất. Vương hướng dẫn nông dân sử dụng phân chuồng và một số phân bón hữu cơ làm từ vỏ, lá cà phê, xác thực vật ủ cùng men vi sinh và chế phẩm sinh học từ 3-6 tháng. Ngoài ra, anh kết nối với một công ty cung cấp phân hữu cơ làm từ cá, bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây cà phê trong từng giai đoạn.
Cách bón phân cho cây cà phê organic đòi hỏi nhiều thao tác và đúng khung giờ trong ngày khiến không ít nông dân ngại ngần phải thay đổi thói quen lao động. “Quy trình tưới lá vào khoảng 6-8h sáng, hoặc 16-18h, trong khi trước đây họ làm hai khung giờ 7-11h và 13-17h. Chúng tôi mất nhiều tháng hướng dẫn để bà con thay đổi”, anh cho biết.
Sau một năm kiên trì và tâm huyết, nỗ lực của Lê Văn Vương cùng người nông dân được đền đáp ngay trong vụ đầu tiên. Sản lượng thu hoạch tương đương cà phê vô cơ. Một số bà con nhận thấy vườn còn xanh tốt hơn. Nhân cà phê thu hoạch giá cao hơn 40%. Sau đó có thêm 6 hộ tham gia dự án của Vương. Từ 1,4 ha ban đầu, hiện anh phát triển nguồn nguyên liệu trên diện tích 10 ha. Năm 2019, công ty đạt sản lượng 8 tấn thành phẩm.
Để tìm đầu ra, vị giám đốc trẻ tham gia nhiều sự kiện, triển lãm nông sản organic, quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến, bên cạnh mở rộng phân phối qua các đại lý, công ty rang xay.
“Sản phẩm của công ty hiện tiêu thụ tại hơn 50 tỉnh thành, nhưng số lượng còn nhỏ giọt. Mới đây, một công ty đến từ Đức ngỏ ý thu mua, song tôi chưa đáp ứng được đơn hàng. Do đó, tôi mong muốn có nhiều đơn vị cùng hợp tác phát triển cà phê hữu cơ xuất khẩu”, Vương nói.
Trong năm 2020, công ty sẽ hỗ trợ máy móc sơ chế, chế biến cho nông dân và mở rộng diện tích, chú trọng nâng cao sản lượng, đồng thời nghiên cứu các sản phẩm mới như trà, rượu vang làm từ cà phê organic.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn tiến, hoạt động của công ty vẫn ổn định bởi lượng khách hàng đặt online gia tăng. Đây cũng là kênh bán hàng mà vị giám đốc trẻ sẽ đẩy mạnh thời gian tới nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với thị trường quốc tế.