Nhờ trồng loại củ có hình thù kỳ lạ, như đầu trâu, nhiều đời qua người dân xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) sống khỏe, đó chính là củ ấu.
Không biết có từ bao giờ, nhiều thế hệ người dân xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đều lớn lên và gắn liền với cây ấu. Đến nay, nơi đây vẫn đang là vùng trồng ấu lớn nhất tại Thanh Hóa.
Những ngày này, người dân xã Vĩnh An đang tất bật cho mùa thu hoạch ấu. Thông thường, củ ấu được trồng từ tháng 3, đến tháng 6 thì bắt đầu thu hoạch. Đặc trưng củ ấu mọc ở vùng đầm lầy và ao trũng nên nông dân phải dùng thuyền để đi thu hoạch.
“Gia đình tôi có 4 sào ấu, mỗi ngày trung bình thu hoạch khoảng 50 – 70 kg. Như mọi năm, giá củ ấu từ 12.000-15.000 đồng/kg. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá bán chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ngày cũng thu nhập 300.000-450.000 đồng”, bà Nguyễn Thị Bán (54 tuổi, thôn 5, xã Vĩnh An), chia sẻ.
Còn theo bà Lê Thị Tuấn (52 tuổi, thôn 5, xã Vĩnh An), so với trồng lúa thì trồng ấu khỏe hơn nhiều: “Ấu dễ trồng lại cho năng suất cao, một lần trồng sẽ thu hoạch được 3 vụ. Trồng ấu không phải chăm bón nhiều, thi thoảng phun thuốc diệt bọ dừa khỏi ăn lá thôi”.
Cây ấu là loài cây thủy sinh, thường mọc ở vùng nước đọng vùng nhiệt đới. Để trồng loài cây này, người dân thường chọn các vùng đầm lầy hay ao hồ có mực nước sâu chừng 0,5-2 m.
Sau quá trình trồng, mỗi chùm cây ấu sẽ cho ra từ 2-5 củ. Để thu hoạch, người dân chỉ việc bẻ cây ấu rồi thả cây xuống để tiếp tục thu hoạch cho lứa sau.
Cây ấu có hình dạng khá kỳ lạ, vỏ ngoài màu đen giống sừng trâu.
Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên (46 tuổi, thôn 5, xã Vĩnh An) trồng gần một mẫu ấu. Số diện tích này dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 4 tấn ấu. Với giá bán như năm nay là 6.000 đồng/kg thì chị có thể thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Cây ấu sau khi chế biến sẽ có cho ra một thứ tinh bột bùi, ngọt, thơm và giàu dinh dưỡng. Nhiều năm qua, khi nhắc đến xã Vĩnh An, ai cũng biết đến thứ đặc sản này.
Ấu mọc dày đặc quanh ao, khi thu hoạch họ phải chèo thuyền đi theo đường thẳng, giúp người thu hoạch dễ phân biệt được phần diện tích chưa thu hoạch còn lại với phần đã thu hoạch. Thường, người dân thu hoạch ấu vào sáng sớm và cuối giờ chiều. Những ngày vừa qua do thời tiết nắng nóng, họ phải dùng ô để che nắng trong lúc thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh An, ấu là loại cây có từ rất lâu ở địa phương. Toàn xã có khoảng 11 ha với 30 hộ trồng. Đây là loại cây đem lại năng suất cao và thu nhập ổn định cho người dân nhiều năm qua. Sau mỗi vụ ấu, có thể tận dụng lại diện tích ao đầm để nuôi cá, nhờ đó mà chất lượng đời sống của người dân cũng nâng lên rõ rệt.
Nguồn: Khởi nghiệp