Sau thời gian nỗ lực mở rộng quy mô, diện tích sản xuất, hiện chủ nhân một số dự án khởi nghiệp cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đang gặp khó trong khâu sản xuất và cả tiêu thụ. Do đó, đang tính toán các giải pháp xoay trở để vượt khó, duy trì sản xuất.
Duy trì sản xuất
Mơ về “một khu vườn xanh mướt, không sử dụng phân, thuốc hóa học” từ thời đi học và phải mất 7 năm chuẩn bị, ước mơ khởi nghiệp của anh Huỳnh Phú Lộc (sinh năm 1990) mới thành hiện thực.
Tháng 10/2017, mô hình công nghệ cao “mọc” lên ven sông Cổ Chiên (thuộc Phường 5- TP Vĩnh Long) lấy tên là Cơ sở kinh doanh Nam Long. Nhờ kinh nghiệm thiết kế, lắp đặt nhà lưới, anh đã tự mua vật liệu thi công nhà lưới và thiết kế giúp giảm 50% chi phí.
“Khu vườn trong nhà màng” có diện tích 2.000m2 với vốn đầu tư 600 triệu đồng là “quá sức nên lúc đó tôi phải nhờ người thân quen trợ giúp”. Đến nay, anh Lộc đã mở rộng vườn dưa lưới lên 4.000m2 tại Vĩnh Long và An Giang. Hiện vườn dưa tại Vĩnh Long đã 35, 60 ngày tuổi.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gặp khó trong vận chuyển, tiêu thụ, giá bán sản phẩm xuống thấp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào thì tăng. Trước mắt, anh Lộc “duy trì sản xuất, đợi tình hình dịch bệnh ổn định để sản xuất và tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn”.
Từ việc nuôi trùn quế thử nghiệm trong 10m2 rồi phát triển lên 700m2, anh Trương Minh Trung (sinh năm 1985) ở ấp Mỹ Thới 2 (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu nuôi trồng thêm các loại cây, con khác như lươn, ếch, rắn, rau quả để tận dụng phế phẩm, tạo quy trình khép kín.
Anh Trung cho biết, hiện đang duy trì sản xuất cầm chừng do nguồn thức ăn cho trùn quế (phân bò, phân gia súc) khó mua. Trong khi, phân trùn quế bán ra cũng khó “ngày thường bình quân 10 tấn/tháng nhưng hiện giảm mạnh”.
Theo anh Trung, do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã linh hoạt xoay chuyển tình thế như “cung ứng phân trùn quế cho mấy trại rau an toàn, rau hữu cơ gặp khó thì chuyển qua kênh bán hàng trực tiếp, kênh hoa kiểng…”. Trước mắt, tận dụng nguồn thức ăn, cố gắng duy trì con giống.
“Rút kinh nghiệm qua đợt dịch này sẽ dự trữ nhiều hơn. Đồng thời, trong thời gian này, đang nghiên cứu cho ra thị trường sản phẩm phân trùn quế hữu cơ. Tranh thủ trong vòng 30- 35 ngày nữa có sản phẩm để người xung quanh, người thân quen… sử dụng”- anh Trung chia sẻ.
Đang triển khai rồng rau hữu cơ, anh Trung nói “dịch bệnh lần này càng khiến anh quyết tâm trồng rau hữu cơ nhằm giải quyết lượng phân sản xuất ra, tăng giá trị sản phẩm và cung ứng ra thị trường”.
Cần tiếp sức về vốn
Vườn dưa lưới thủy canh theo hướng công nghệ cao của Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 1990) mọc lên ở “vương quốc” bưởi Mỹ Hòa (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) từ tháng 7/2019 với vốn đầu tư hàng tỷ đồng.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, diện tích đất vườn Hợp tác xã (HTX) Mekong Green do Nghĩa làm giám đốc được mở rộng lên 10.000m2.
Dưa lưới hiện 15, 45 và 70 ngày tuổi, trong đó “khoảng 15 ngày nữa là có dưa thu hoạch khoảng 2 tấn”. Tuy nhiên, Nghĩa cho hay, đang gặp khó trong sản xuất lẫn tiêu thụ.
Cụ thể, vật tư đầu vào hiện rất khó mua. Người bán thông báo giảm công suất xuống còn 30%, về lâu dài không có số lượng lớn để giao.
Tuy nhiên, hiện HTX không đủ nguồn lực để mua trữ lại. Mặt khác, nguồn phân từ nhập khẩu, giống cũng đang sẽ thiếu hụt hoặc không có nguồn. Còn đầu ra thì bị “đứt gãy” do vận chuyển gặp khó, nhiều khách hàng đóng cửa, khoảng 30% còn lấy hàng bán online nhưng giá bán cũng giảm.
“Đa số vật tư là mua ở Sài Gòn, bán ra thì hiện chủ yếu đi các tỉnh miền Tây”- Nghĩa nói vậy và cho biết thêm, đang xoay trở nguồn giống từ bạn bè. Còn về tiêu thụ thì sẽ “bán mọi hướng, trong đó, vận động người thân quen giới thiệu mối lái là hướng chính”.
Nghĩa chia sẻ: Thời gian qua, HTX nhận được sự quan tâm, hỗ trờ từ các sở ngành tỉnh, Phòng Kinh tế TX Bình Minh… Trong thời điểm khó khăn này, HTX mong muốn Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tạo điều kiện để HTX được vay tín chấp nguồn vốn lưu động để bước qua khó khăn.
Bên cạnh, tiếp tục cho HTX vay đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất kinh doanh (xe tải, máy móc, công cụ để tăng hiệu suất sản xuất). Đồng thời, xem xét giảm lãi suất và kéo dài thời hạn trả nợ.
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ sinh học, Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1990 ở xã Thuận Thới- Trà Ôn) quyết định trở về quê khởi nghiệp. Lúc đầu, Thảo nuôi trùn quế thử nghiệm trong 200m2 cùng 2 con bò và “thí nghiệm” đàn heo nhà đang nuôi.
Với trăn trở “nông dân quê mình làm nông vất vả nhưng giá cả bấp bênh, lợi nhuận không được bao nhiêu” nên Thảo đã “chuyển hướng” thành lập HTX Nông nghiệp Thuận Thới thay vì thành lập công ty như dự định ban đầu.
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thảo cho biết, HTX có 17 thành viên, hoạt động chủ yếu sản xuất phân hữu cơ, phân trùn quế, chăn nuôi bò và đan thủ công mỹ nghệ.
Trong đó, diện tích nuôi trùn quế là trên 7.000m2 và nuôi 20 con bò. Ngày thường, bán phân hữu cơ ra thị trường 20- 30 tấn/tháng.
Thảo chia sẻ, hiện HTX đang gặp khó về vốn. “Nguyên nhân là do HTX chuyển giao cho nông dân nuôi trùn quế, đủ 3,5- 4 tháng thì phải nhập phân trùn quế về.
Tuy nhiên, vốn lưu động đã “chôn” ngoài thị trường- cho nông dân mua phân ở mấy vườn cây ăn trái. Nông dân khó bán trái cây thì HTX cũng khó thu tiền. Mảng đan đát có 20 nhân công đan tại nhà, đan khoảng 400- 500 cái giỏ/tuần, giá 15.000 đ/giỏ nhưng hiện cũng đang chựng lại”.
“Hiện HTX đang thương lượng với nông dân là lấy phân trùn quế trả chậm. Qua dịch bệnh, tranh thủ gom công nợ ngoài thị trường về để tái đầu tư. HTX mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xoay xở vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”- Thảo trải lòng.
Nguồn: Khởi nghiệp