Dành cho những bạn đang phân vân với lựa chọn khởi nghiệp từ trồng rau thủy canh, câu chuyện về 3 nhân vật sau đây sẽ không để bạn phải đắn đó thêm nữa.
1. Phạm Văn Minh (ấp 8, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành)
Là một kỹ sư trẻ sinh năm 1991 tốt nghiệp Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Minh đã nung nấu ý định cung cấp rau sạch ra thị trường từ lâu vì nhận thấy tình trạng rau bị phun thuốc hóa học trở nên quá phổ biến. Năm 2018, ngoài đảm nhiệm và tích cực hoàn thành tốt vai trò công an viên xã Minh Hưng, anh Minh tận dụng thời gian rảnh gây dựng vườn rau thủy canh với diện tích khoảng 300m2. Tổng chi phí đầu tư vườn rau hơn 150 triệu đồng, gồm hệ thống máy bơm, phun sương công suất nhỏ gọn và hoàn toàn tự động hóa.
Hiện nay, tại vườn rau của anh, có thể thấy rất nhiều loại rau sạch như: xà lách Mỹ, cải ngọt, cúc, rau thơm, cải đuôi phụng… Trung bình mỗi loại rau từ lúc gieo hạt đến thu hoạch khoảng 30 ngày. Hằng tuần, anh đến vườn hái rau bán cho khách hàng tại chợ Minh Hưng và nhiều công ty đóng trên địa bàn.
Anh lựa chọn huyện Chơn Thành là nơi khởi nghiệp vì bản thân nhận thấy tại đây chưa có nhiều mô hình rau thủy canh lớn. Đối với anh, trồng rau thủy canh không khó, chỉ cần làm đúng các bước và tận tụy chăm sóc thì vườn rau sẽ trở nên tươi tốt. Anh khẳng định: “Tôi tận dụng lúc rảnh rỗi như sáng sớm, giữa trưa hoặc chiều tối chăm sóc và thu hái rau. Thực ra, rau thủy canh trồng rất dễ, chứ không khó như nhiều người nghĩ”.
Chia sẻ về quy trình chăm sóc, anh Minh nói: “Khi tra hạt cần đổ một ít nước vào mút xốp để giữ ẩm, khoảng 1 tuần hạt nảy mầm. Khi cây được nửa tháng sẽ tách ra, cho vào rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Toàn bộ chất dinh dưỡng đã được pha sẵn vào 1 thùng phuy lớn, cứ mỗi giờ tưới 1 lần, mỗi lần 15 phút, không tưới vào ban đêm. Vì hệ thống nước tưới mình đã lắp đặt tự động, chỉ việc bật và hẹn giờ tắt nên rất tiện lợi”. Theo ước tính, trung bình ý tưởng khởi nghiệp từ trồng rau thủy canh của anh mỗi tháng trừ chi phí cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.
2. Lê Quốc Đức (phường 5, TP Đà Lạt)
Dù đang làm việc ổn định tại một cơ quan nhà nước cùng chức danh Thạc sỹ, Lê Quốc Đức vẫn dũng cảm rẽ hướng sang đam mê trồng rau thủy canh. Anh bắt đầu xây dựng nhà kính với mô hình trồng rau thủy canh: kinh doanh kết hợp tham quan miễn phí.
Lúc bắt đầu, anh Đức không có nhiều kinh nghiệm vì là dân “tay ngang” nhưng được tiếp xúc nhiều với các mô hình vì đặc thù công việc cũ, anh quyết tâm học hỏi và mài mò. Anh chia sẻ: “Bắt tay vào làm mình cũng không có nhiều vốn liếng. Vậy là chạy đi mượn tiền, tìm chỗ thuê đất, nhờ bạn bè phụ giúp,… để hoàn thành khu nhà kính trồng rau, tất cả chi phí đầu tư đến nay cũng hơn 1 tỷ đồng rồi”.
Thời gian đầu, anh Đức phải đích thân đi tìm khách hàng. Anh bán cho khách lẻ, quảng bá trên mạng xã hội, giới thiệu thông qua chỗ bạn bè,… Sau một thời gian, khi vườn rau cho năng suất cao, mọi hoạt động dần đi vào ổn định, vườn rau của anh được mọi người biết đến nhiều hơn. Có khách mua rau của anh với giá 300.000đ/kg. Tuy nhiên, giá trung bình chỉ tầm khoảng 40.000đ/kg. Âu cũng là do khách hàng tin tưởng chất lượng nơi anh.
Mặc dù đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức, ngoài việc kinh doanh rau sạch, anh Đức cũng không kiếm thêm thu nhập từ việc cho khách tham quan mà chỉ mở cửa miễn phí. Vào những ngày cao điểm, lượng khách có thể lên đến 400 người 1 ngày nhưng đều được hướng dẫn tham quan rất tận tình trong khu nhà kính.
Anh Đức khẳng định, ý tưởng khởi nghiệp từ trồng rau thủy canh của mình quan trọng nhất không phải là kinh doanh từ việc đón khách. Cái trọng yếu là việc vườn rau của anh có thể cung cấp nguồn rau sạch, an toàn đến người mua và giới thiệu được cho khách tham quan nói chung, khách nước bạn nói riêng về một mô hình trồng rau sạch tại Đà Lạt.
3. Trần Văn Tuấn (phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang)
Trước thực trạng các mặt hàng nông sản còn tồn dư nhiều hóa chất độc hại, anh Trần Văn Tuấn, một kỹ sư công nghệ thông tin có thu nhập cao đã tự mày mò, chế tạo ra mô hình trồng rau thủy canh hộ gia đình và quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp, khởi nghiệp từ trồng rau thủy canh. Những ngày mới khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, từ việc thiết kế cho tới vấn đề kỹ thuật chuyên môn. Tuy nhiên, không lâu sau khi dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh đã áp dụng thành công hệ thống trồng rau thủy canh cho hộ gia đình với hai loại là thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu.
Tổng diện tích vườn rau của anh Tuấn hiện nay là 1.000m2, gồm nhiều loại rau cao cấp, có chất lượng tốt như su hào tím, cà chua đen, cà chua sô cô la… Hơn nữa, anh Đức thực hiện một bước tiến mới, thành lập Công ty TNHH MTV Thiên Ân, chuyên phân phối các sản phẩm rau sạch, là nơi để kết nối giữa gia đình, khách hàng với các trang trại. Năm 2016, doanh thu từ mô hình trồng rau thủy canh của anh đạt hơn 1 tỷ đồng.
Anh Tuấn trả lời về các công đoạn trồng và chăm sóc rau: “Hạt giống được ươm mầm trong bầu ươm sinh học có thành phần chủ yếu là xơ dừa, sau khi nảy mầm, ra lá, sẽ được cấy vào rọ trồng cây từ 2-3 ngày cho rễ cây ổn định mới đưa vào hệ thống thủy canh để cây dễ thích nghi hơn. Để vườn rau thủy canh có thể phát triển tốt, cho năng suất cao, người trồng rau phải cung cấp đủ ánh nắng cho cây từ 5-6 tiếng mỗi ngày, pha dung dịch đúng tỷ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây”.
Anh Tuấn đưa ra những lưu ý khi quyết định khởi nghiệp từ trồng rau thủy canh rằng nên trồng rau trong nhà lưới hoặc nhà kính để hạn chế tối đa sâu bệnh. Trong trường hợp xuất hiện sâu bệnh thì tuyệt đối không được sử dụng thuốc trừ sâu mà phải bắt sâu bằng tay hoặc sử dụng biện pháp từ những chế phẩm dân gian để không làm ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng.
Nguồn: Khởi nghiệp trẻ