Những con đường thành công sẽ không hình thành nếu chúng ta cứ lang thang không mục đích. Chỉ khi nào không ngừng đi về cùng một hướng, chúng ta mới tạo nên một con đường thú vị của riêng mình.
Ngày nay, người ta bàn về tinh thần kinh doanh với những kế hoạch đao to búa lớn nhưng thực chất mọi sự sáng tạo tinh túy thường bắt đầu từ những chi tiết rất nhỏ.
Gã khổng lồ lớn nhất nhì thế giới trong ngành bán lẻ Wal-Mart cũng đặt nền móng từ một cửa hàng nhỏ thông thường.
Một nhà hàng bình dân với khả năng kinh doanh tốt cũng có thể trở thành McDonald hay KFC xâm chiếm thị trường đồ ăn nhanh trên khắp thế giới.
Hoặc như trước khi Starbucks ra đời, không ai nghĩ rằng một quán cà phê có thể thành công biến mình thành chuỗi thương hiệu với hàng chục ngàn chi nhánh to nhỏ ở gần 50 quốc gia khác nhau.
Tương tự như vậy, trong những ngày đầu mới thành lập năm 1993, Tập đoàn Công nghệ Giáo dục New Oriental chỉ là một lớp học nhỏ tiên phong trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh trình độ TOEFL và GRE tại Trung Quốc với vỏn vẹn một tá học sinh tham gia. Thậm chí, còn không có giấy phép và tự quảng cáo bằng cách dán giấy tuyển sinh trên các cột đèn, cột điện.
Chính bản thân Yu Minhong – Nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của New Oriental – cũng không thể tưởng tượng được rằng, sau này anh đã tạo nên một trung tâm giáo dục mà tính đến năm 2016, 67 trường giáo dục ngôn ngữ ngắn hạn, 20 cửa hàng sách, 771 trung tâm học tập và hơn 5.000 nhà sách hợp tác tại 56 thành phố ở Trung Quốc đã được mở ra với hơn 26,6 triệu học viên.
Vốn hóa thị trường của công ty lên tới khoảng 14 tỷ USD. Bản thân Yu Minhong cũng trở thành “Giáo viên giàu nhất Trung Quốc” và “Cha đẻ của ngành đào tạo tiếng Anh”, xếp hạng thứ 148 trong Danh sách người giàu Trung Quốc của Forbes 2018 và thứ 1020 trên Forbes Billionaires 2018, với giá trị tài sản ròng ước tính là 1,7 tỷ đô la.
Yu Minhong từng nói: “Ước mơ lớn nhất của tôi là thành lập một trường đại học tư thục và trở thành một trong những tổ chức giáo dục hàng đầu của Trung Quốc sau 40-50 năm phát triển, có thể sánh ngang với chất lượng của những trường đại học số một hiện nay, ví dụ như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.”
Yu Minhong sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo khó. Trong khi những gia đình khác cho con bỏ học và ở nhà phụ giúp việc đồng áng, mẹ ông lại ra sức khuyến khích và cố gắng chu cấp cho Yu Minhong tiếp tục việc học của mình.
Sau hai lần thi trượt đại học và phải nghỉ thêm một năm vì bệnh viêm phổi, cuối cùng, ông cũng được đáp lại bằng một tấm giấy mời nhập học Đại học Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông chỉ được xếp vào lớp dành cho học sinh dưới chuẩn vì không thành thạo tiếng phổ thông. Sau khi tốt nghiệp năm 1985, thấy nhiều bạn cùng lớp tiếp tục du học ở nước ngoài, ông vừa xin ở lại giảng dạy tiếng Anh tại trường, vừa bắt đầu nộp đơn vào các đại học Mỹ.
Mãi đến tận ba năm sau, Yu Minhong mới nhận được một lời chấp nhận nhưng xin cấp thị thực du học bao nhiêu lần vẫn không thành công.
“Sự thăng trầm là một phần không thể thiếu của cuộc đời và sự nghiệp”.
Những lúc quá nản chí, Yu Minhong nhớ lại hình ảnh của người cha phải nhặt nhạnh từng mẩu gạch đá hoang ngoài đường để tự dựng lên một ngôi nhà che gió che mưa cho cả gia đình, tự xây chiếc chuồng nhỏ làm chỗ chăn nuôi lợn, gà, vịt… kiếm thêm thu nhập.
Chính hành động, sự kiên trì bền bỉ và quyết tâm đó của người cha đã thay đổi cả cuộc đời Yu Minhong.
Ông hiểu ra rằng: “Nếu có một tấm bản đồ trong đầu thì chúng ta có thể xây nên tất cả từ những mẩu gạch vụn nhỏ nhất. Kim tự tháp huyền bí đến mấy, nếu bị tháo dỡ thì cũng chỉ là một đống đá mà thôi. Cũng như sống không có mục tiêu thì không thể gọi là cuộc sống, đó chỉ là một đống ngày.”
Chính vì vậy, sau khi thi trượt đại học, ông vẫn có thể tiếp tục nỗ lực học tập và thi lại mà không bỏ cuộc; sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục ở lại trường giảng dạy tiếng Anh để tích lũy kinh nghiệm và xây dựng khả năng sư phạm; sau khi thất bại trong việc xin visa du học, ông bỏ công việc giảng viên ổn định để bắt đầu mở trung tâm, tìm cách giúp đỡ người khác thực hiện “giấc mơ Mỹ” của chính họ bằng cách phát triển các kỹ năng tiếng Anh.
Vào thời điểm ấy, chính phủ Bắc Kinh đặc biệt nhấn mạnh rằng trình độ tiếng Anh là một trong những nhân tố cạnh tranh quốc gia khiến nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực này tăng vọt.
Đóng vai trò tiên phong quan trọng, New Oriental Education & Technology Group của Yu Minhong nhanh chóng vọt lên vị trí dẫn đầu, là tổ chức giáo dục Trung Quốc đầu tiên tham gia Sở giao dịch chứng khoán New York tại Mỹ, tổ chức IPO vào năm 2006. Trong năm 2018, công ty này dự báo đạt doanh thu lên tới 2,2 tỷ USD.
Nhờ sự thành công đột phá cùng lối tư duy kiên trì ấy, Yu Minhong đã trở thành tấm gương thành công điển hình cho những người trẻ khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng biết tận dụng từng mảnh vụn xung quanh để làm giàu, biết nắm bắt cơ hội để góp phần thay đổi cả ngành giáo dục Trung Quốc.
Trong một bài phát biểu, ông đã nêu lên: “Hãy đặt một hòn đá hy vọng lên đỉnh núi tuyệt vọng, bạn có thể thay đổi cả cuộc sống của mình theo cách lộng lẫy hơn.
Những con đường thành công sẽ không hình thành nếu chúng ta cứ lang thang không mục đích. Chỉ khi nào không ngừng đi về cùng một hướng, chúng ta mới tạo nên một con đường thú vị của riêng mình.”
NGUỒN: Soha