Từ một người giúp việc gia đình ở Thái Lan, theo niềm đam mê kinh doanh, bà Lê Thị Việt khi đó đã gần 50 tuổi quyết định trở về quê hương để “thổi hồn” vào những bình “hoa bất tử”.
Nữ giúp việc cùng chủ nhà… đi học nghề
Từ một người giúp việc ở Thái Lan, bà Lê Thị Việt (63 tuổi, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã trở thành bà chủ của cơ sở sản xuất “hoa bất tử”.
Ít ai biết được, người phụ nữ ấy đã trải qua vô vàn sóng gió để có được thành công như ngày hôm nay. Năm 1999, khi ấy bà đang công tác tại ngành nông nghiệp ở huyện Nông Cống. Vốn là người có “máu” với kinh doanh, bà và chồng mạnh dạn nhận dự án trồng cây bạch đàn tại địa phương nhưng thất bại, lâm vào cảnh nợ nần.
Dự án bạch đàn đòi hỏi phải triển khai tối thiểu 15 năm mới có thể thu lãi. Nhưng do nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ vay mượn, tiền lãi cứ dồn dập đến khiến gia đình bà rơi vào cảnh lao đao. “Năm ấy gia đình tôi lâm nợ phải đến 60 triệu đồng”, bà Việt lý giải nguyên nhân thất bại trong lần đầu làm kinh tế.
Không chịu thất bại trước số phận, bà quyết định bỏ xứ để lập nghiệp. Năm 2001, trong một lần đến đất nước Thái Lan, bà xin ở lại lao động bằng nghề giúp việc cho một gia đình trẻ.
Duyên nghề với loài hoa bất tử của bà Việt bắt nguồn từ đó. Khi đó, bà Việt và nữ chủ nhà vô tình bắt gặp mô hình làm hoa bất tử theo kiểu Nhật Bản. Thấy đây là mô hình khá hấp dẫn và mới lạ, bà cùng nữ chủ nhà cùng nhau học làm hoa.
Nhớ lại ngày học nghề, bà nói: “Khi ấy chúng tôi không nghĩ đến việc kinh doanh từ nghề này. Sau khi học được nghề, vợ chồng ông chủ quyết định mở thêm một mặt hàng kinh doanh mới đó là bán “hoa bất tử”. Thật bất ngờ, đây lại là mặt hàng “hot” tại thời điểm lúc bấy giờ ở đất Thái. Nó nhanh chóng đem về một nguồn lợi nhuận tốt cho gia đình nhà chủ”.
“Khởi nghiệp không kể tuổi tác”
Sau 5 năm làm hoa, đến 2006, khi đó đã 48 tuổi, nhưng với “máu” kinh doanh, bà Việt quyết định phải đem niềm đam mê này trở về nước để lập nghiệp.
“Khi đó tôi rời Thái Lan chỉ với hai bàn tay trắng, tài sản lớn nhất lúc bấy giờ là chuỗi kiến thức về cách làm hoa bất tử ở trong đầu. Nhưng nếu cứ ở mãi bên đó cũng chỉ là một người làm thuê, chính vì vậy tôi quyết định về nước để khởi nghiệp”. Nữ nghệ nhân tâm sự.
Trở về quê, bà nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khởi nghiệp khi tuổi đời đã gần 50. Với số ít tiền tiết kiệm, bà vay mượn thêm người thân họ hàng rồi mua nguyên liệu, máy móc để bắt đầu công việc làm hoa bất tử ngay chính quê hương nơi mình sinh ra.
Nói về thời kỳ đầu khởi nghiệp, bà chỉ cười và bảo: “Đó là cả một quá trình, ở Việt Nam khi đó thì làm gì biết đến hoa bất tử là gì. Khi tôi làm những bình hoa đầu tiên chỉ nhận được những lời cười nhạo của mọi người. Họ nói làm cái này thì bán cho ai”.
Một, hai rồi lần lượt những sản phẩm của bà rời vùng thôn quê ra thành phố Thanh Hóa để bày bán. Chỉ sau 1 tháng, những sản phẩm hoa bất tử của bà đã chiếm lĩnh được sự yêu thích của khách hàng.
“Khi những sản phẩm đầu được bán đi tôi vui lắm. Thị trường cuối cùng cũng đã có, chỉ cần có người mua ắt sẽ thành công”, bà Việt thổ lộ.
Đầu năm 2010, cơ sở của nữ nghệ nhân mới phát triển mạnh mẽ. Trung bình một bình hoa nhỏ nhất (1 bông) được bán ra thị trường với giá 150 nghìn đồng, các loại bình cỡ lớn có giá trung bình từ 5 – 7 triệu đồng.
Mỗi năm bà xuất bán ra thị trường hơn 1 tỷ đồng tiền hàng, trừ chi phí đem về thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng. Thị trường chủ yếu mà bà hướng tới là các tỉnh, thành như Hà Nội, Sài Gòn, Thanh Hóa, Vũng Tàu, Nghệ An…
Chia sẻ về những bí quyết làm hoa bất tử, nữ nghệ nhân cho hay: “Hoa bất tử nhìn thì rất dễ làm nhưng đòi hỏi phải có sự khéo léo. Nguyên liệu chủ yếu đó là những giống hoa Đà Lạt như hoa hồng. Sau khi hoa được lấy về sẽ đem đi ướp với cát Nhật Bản trong vòng 7 ngày mà không dùng đến hóa chất. Sau đó, những bông hoa này sẽ được đưa vào bình hay cốc thủy tinh để cắm rồi đậy kín, hoàn thiện”.
Theo bà Trần Thị Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Thành, mô hình hoa bất tử của chị Việt là một trong những mô hình khá mới mẻ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế tốt.
“Chị là một trong những gương phụ nữ sáng tạo, điển hình tại địa phương. Trong những năm qua, mô hình của gia đình chị luôn là gương kinh tế điển hình tại địa phương. Không chỉ vậy, cơ sở của gia đình chị Việt còn tạo công ăn việc làm cho 5 – 6 người dân tại địa phương với mức lương từ 4 – 5 triệu đồng”, bà Trần Thị Xuân.
Nguồn: Dân trí