Tiến vào thị trường ứng dụng giúp việc nhà trễ hơn các đối thủ 6 năm nhưng HouseCare vẫn đang kinh doanh ổn định nhờ chọn phân khúc khách hàng phù hợp và nền tảng công nghệ thân thiện, đơn giản.
HouseCare là ứng dụng di động kết nối người giúp việc theo giờ với người có nhu cầu, thành lập từ năm 2018. Người dùng có thể tìm kiếm lựa chọn người giúp việc, thực hiện các ghi chú, thanh toán ngay trên ứng dụng. HouseCare còn cung cấp dịch vụ sửa chữa điện lạnh và vệ sinh công nghiệp. Điểm khác biệt của ứng dụng này so với các mô hình kinh tế chia sẻ khác là chú trọng đến đào tạo kỹ năng và thái độ làm việc cho đối tác giúp việc.
Ý tưởng khởi nghiệp này xuất phát từ việc Dương Quốc Đạt – nhà sáng lập kiêm CEO của HouseCare chia sẻ không gian văn phòng với một công ty dịch vụ tìm người giúp việc truyền thống. Sau đó Đạt nhận thấy rằng công ty này vận hành theo phương pháp thủ công, quy trình rườm rà và tốn kém nhân lực.
Với kinh nghiệm 10 năm hoạt động trong lĩnh vực thuê ngoài (outsourcing), anh nhìn thấy triển vọng ứng dụng công nghệ để giúp kết nối người giúp việc với các chủ nhà. Tuy nhiên, khi tiến hành khảo sát thị trường, doanh nhân trẻ nhận ra rằng ý tưởng này hóa ra không quá mới vì nhiều startup đã làm các sản phẩm tương tự từ năm 2012.
“Sau khi khảo sát thị trường, tôi vẫn quyết định khởi nghiệp vì tự tin vào khả năng vận dụng công nghệ của mình và nhận thấy phân khúc bình dân với giá từ 50.000-60.000 đồng mỗi giờ giúp việc, vẫn còn nhiều tiềm năng”, CEO HouseCare đánh giá.
Về đào tạo các đối tác giúp việc, HouseCare chọn người có hai năm kinh nghiệm trở lên, tập trung đào tạo thái độ, kỹ năng cho đội ngũ này cũng như hỗ trợ và ghi nhận phản hồi từ phía khách hàng nhanh nhất.
“Để đảm bảo chất lượng, bộ phận chăm sóc khách hàng của HouseCare đều ghi nhận phản hồi của ba khách hàng đầu tiên của mỗi người giúp việc và kịp thời có những điều chỉnh, nhắc nhở để hoàn thiện kĩ năng, thái độ cho người giúp việc”, Quốc Đạt chia sẻ.
Ngoài điểm mạnh về quy trình đào tạo người giúp việc, startup này có nhiều lợi thế về giá, không cần đặt cọc trước, nhiều phương thức thanh toán như nạp ví, chuyển khoản, đổi điểm, tiền mặt. Lợi thế về giá đến từ việc HouseCare chú trọng xây dựng hệ thống hoàn thiện ngay từ đầu nên ít tốn kém chi phí bảo trì và chi phí cho đội ngũ nhân sự công nghệ cao. Hiện nay, Housecare có khoảng 300 đối tác người giúp việc với công suất phục vụ 5.000 khách hàng chủ yếu TP HCM và Hà Nội.
Sau hai năm khởi nghiệp, CEO của HouseCare nhận định startup này vẫn đang đi đúng hướng, cụ thể đã hòa vốn vào cuối năm 2019 và lượng khách hàng đang tăng trưởng tốt. Vào tháng 4 vừa qua, HouseCare cũng nhận gói hỗ trợ 50.000 USD từ quỹ ThinkZone. Đại diện ThinkZone đánh giá rằng dù xuất phát trễ hơn các đối thủ nhưng Housecare vẫn là một startup triển vọng vì đã nhìn ra phân khúc tiềm năng và chiến lược kinh doanh bền vững.
Trong quá trình hoạt động, HouseCare cũng gặp nhiều thách thức, trong đó có bài toán nan giải về tình trạng sau khi sử dụng ứng dụng HouseCare, người dùng tự liên hệ với người giúp việc mà không thông qua ứng dụng. Doanh nghiệp đang giải quyết tình trạng này bằng cách đưa ra nhiều khuyến mãi cho khách hàng thường xuyên, tăng cường chính sách đảm bảo an toàn cho khách khi đặt dịch vụ, hỗ trợ khi xảy ra sự cố như hư hỏng do lỗi từ người giúp việc.
Chia sẻ về những giải pháp ứng phó với Covid-19, HouseCare cho rằng đã dự trù tài chính cho khoảng một năm nên chủ động xoay sở tài chính trong trường hợp giãn cách xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp đưa ra những gói hỗ trợ người dùng nhằm kích cầu và những chính sách hỗ trợ đối tác giúp việc.
“Về tầm nhìn trong 1-3 năm tới, HouseCare mong muốn vươn lên vị trí thứ hai trong thị trường ứng dụng giúp việc nhà”, CEO HouseCare nói.