Khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp quốc gia, vai trò nòng cốt của nhà trường được xác lập ở vị trí tiên phong trong việc hỗ trợ sinh viên, học sinh.
Tuy nhiên, sau 3 năm thúc đẩy phong trào, nhiều trường đại học vẫn loay hoay với câu hỏi làm sao để sinh viên khởi nghiệp thành công.
Chưa đồng đều
Sau khi Chính phủ phát động Chương trình Quốc gia Khởi nghiệp (2017), hàng loạt vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các quỹ khởi nghiệp trong các trường đại học ra đời với mục tiêu tạo bệ phóng cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên từ khi “thai nghén” đến lúc thành hình.
Trong 3 năm qua, hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp đã bước ra khỏi cánh cổng trường để đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy cho việc phát triển kinh tế, xã hội từ chính bệ đỡ nhà trường.
Tại khu vực phía Nam, hầu như nhà trường đều có trung tâm khởi nghiệp, viện đổi mới sáng tạo, quỹ khởi nghiệp hoặc vườn ươm dành cho sinh viên. Nhiều cơ sở như Đại học Quốc gia TPHCM, trường như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Quốc tế Hồng Bàng… còn có hẳn viện, trung tâm khởi nghiệp để kết nối doanh nghiệp với sinh viên, kiếm tìm nguồn lực tài chính cho các ý tưởng khởi nghiệp một cách chuyên nghiệp.
Theo hướng ứng dụng, từ năm 2014, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thành lập Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cá nhân, nhóm, các doanh nghiệp mới khởi nghiệp phát triển thành quả nghiên cứu khoa học thành sản phẩm, dịch vụ có khả năng thương mại và cạnh tranh trên thị trường.
Suốt 6 năm qua, trung tâm dành hàng chục tỉ đồng để hỗ trợ cho các ý tưởng, phong trào khởi nghiệp của sinh viên với bình quân mỗi năm 10 – 20 dự án. Tương tự, sau hơn 1 năm hoạt động, Viện Đổi mới sáng tạo Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã hỗ trợ (tài chính, đội ngũ, kiến thức, kinh nghiệm) cho 20 dự án bằng chương trình “Ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) với giá trị hàng tỉ đồng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo doanh nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên thành công hay không phần nhiều dựa vào sự hỗ trợ của giảng viên, các trường và nguồn lực từ các quỹ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp.
“Trường đại học đóng vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn chính của quá trình khởi nghiệp gồm: Hình thành ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng. Trong giai đoạn đầu tiên, nhà trường, cụ thể là giảng viên và các đơn vị hỗ trợ đóng vai trò là những người truyền cảm hứng, cung cấp thông tin, giới thiệu thành công, điển hình, kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển đội nhóm thông qua thúc đẩy hợp tác liên ngành trong sinh viên.
Khi phát triển sản phẩm, nhà trường sẽ mời doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ lĩnh vực phù hợp cùng tham gia, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, tăng trưởng thị trường…. cho sinh viên. Đơn vị nào tâm huyết, dành nhiều tâm sức cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, tỉ lệ dự án thành công sẽ lớn hơn” – Thạc sĩ Phương chia sẻ.
Bên cạnh các đơn vị dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, thì cũng không ít trường sau các hoạt động mang tính phong trào, các giải pháp hỗ trợ sinh viên trong khởi nghiệp, phát triển ý tưởng… gần như bỏ ngỏ.
Nhiều trường đại học thậm chí còn không có trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ khởi nghiệp. Có nơi có trung tâm chỉ tồn tại trên giấy tờ, không có nhân sự, chiến lược phát triển, chính sách tìm kiếm nguồn lực tài chính cho các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên, dẫn tới công tác thúc đẩy phong trào sinh viên khởi nghiệp gần như bế tắc.
Nhờ sự quan tâm của nhà trường, sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã giành giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2019.
Khó nhất là… tiền đâu?
Việc phát triển phong trào khởi nghiệp trong sinh viên chưa đều tay giữa các trường có nhiều nguyên nhân. Trước hết, để xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cần có nhiều thứ, từ con người, không gian đến vật tư để thí nghiệm và tài chính.
Nếu trường chật hẹp, quỹ đất dành cho các phòng khoa, tổ bộ môn còn không đủ cũng khó mà thu xếp được quỹ đất để có thể xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đó là chưa kể khi thành lập, bộ máy nhân sự phình ra, chi phí tốn thêm mà không có lợi nhuận thu về.
Khó khăn về tài chính cản trở việc thành lập các trung tâm, viện trong nhà trường một thì khả năng tài chính để duy trì “lửa” cho hoạt động này còn khó gấp đôi. Theo nhiều cán bộ phụ trách công tác khởi nghiệp, không nhiều trường sẵn sàng dành mỗi năm vài tỷ để hỗ trợ cho công tác khởi nghiệp trong sinh viên như các Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Kinh tế TPHCM.
Ông Hồ Đức Sinh – Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết: Mô hình hoạt động và duy trì tương tác của phần lớn trường đại học hiện nay để hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên là tổ chức các cuộc thi cấp trường về startup, xây dựng ý tưởng kinh doanh… qua đó chọn ra những dự án, ý tưởng xuất sắc nhất để tham gia vào sân chơi lựa chọn dự án được tài trợ với doanh nghiệp (mời doanh nghiệp tham gia chấm thi, mua ý tưởng, cùng tham gia phát triển ý tưởng).
Tuy nhiên, cái khó nhất ở đây là vấn đề tài chính khi các trường chỉ có thể hỗ trợ các dự án ở một chừng mực nhất định, với số lượng cụ thể, chứ không thể đi theo trọn vẹn con đường tất cả dự án, ý tưởng khởi nghiệp.
Để giải quyết bài toán tài chính, theo TS Lê Lâm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, sân chơi khởi nghiệp của sinh viên không thể thiếu sự đồng hành của doanh nghiệp.
“Nếu trường Đại học – CĐ xây dựng và hình thành được không gian khởi nghiệp tốt cho sinh viên, với sự tương tác và hỗ trợ về tài chính ngay từ đầu từ doanh nghiệp theo kiểu hợp tác win-win không chỉ giải quyết khúc mắc về tài chính hỗ trợ dự án, mà còn gián tiếp giúp sinh viên, nhà trường thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu hay dự án tiềm năng để tạo ra dòng chảy kinh tế ngược lại” – TS Lê Lâm nói.