Những đôi giày được làm từ bã cà phê và nhựa tái chế đã giúp 2 chàng trai nằm trong danh sách vinh danh Forbes 30 Under 30 của châu Âu năm 2020 hạng mục Doanh nghiệp xã hội.
Jesse Khánh Trần (SN 1992) và Sơn Chu (SN 1996) gặp nhau ở Phần Lan khi cùng sang đất nước Bắc Âu này du học. Khánh “thú nhận”: “Cả mình và Sơn đều đang nợ luận văn, với mình là để tốt nghiệp Thạc sĩ, còn Sơn là để tốt nghiệp Cử nhân”.
Vì say mê với những ý tưởng khởi nghiệp, cả hai đã tạm gác việc hoàn thành bằng cấp để lao vào đam mê.
Khát khao tạo xu thế cho ngành công nghiệp thời trang
Sau khi “suýt” tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kinh doanh quốc tế và Logistic, ĐH Aalto – trường đại học hàng đầu Phần Lan và có thứ hạng tốt trên thế giới, Khánh đầu quân cho một công ty “start-up” lớn ở đây.
Trải qua một thời gian đi làm thuê, Khánh tách ra để làm “start-up” đầu tiên của riêng mình. “Start-up” đầu tiên của Khánh là mô hình giúp các nhãn hàng thời trang nhỏ của châu Âu làm việc với các nhà máy chất lượng cao, thân thiện với môi trường ở Việt Nam và Trung Quốc.
Khi “start-up” đầu tiên không hiệu quả, với kinh nghiệm làm việc trong ngành thời trang, Khánh rủ Sơn cho ra đời Rens Originals. Lúc ấy, Sơn đang làm việc cho Zalando – sàn thương mại điện tử về thời trang lớn nhất châu Âu.
Những ngày khởi đầu, đôi giày của Rens chưa phải làm từ chất liệu bã cà phê và ly nhựa, mà làm từ cotton hữu cơ. Đến giai đoạn khảo sát thị trường tiềm năng, 2 chàng trai nhận thấy sản phẩm của mình không được đánh giá cao nên quyết định không đưa sản phẩm ra thị trường. Từ đó, họ chuyển sang chọn nguyên liệu bã cà phê.
“Bọn mình chọn bã cà phê vì các tính năng: chống mùi, khô nhanh, chống vi khuẩn… Ngoài ra, Phần Lan cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều cà phê nhất thế giới, còn Việt Nam thì có sản lượng trồng cà phê lớn nhất thế giới”.
Bắt đầu ăn ngủ với Rens từ cuối năm 2017 và cho đến tận mùa hè năm 2019, sản phẩm đầu tiên của 2 chàng trai mới được tung ra thị trường sau vô vàn khó khăn.
“Những ngày đầu chỉ có 2 đứa, còn không có văn phòng, không có nhà đầu tư. Hai đứa ngồi suốt ở trường đại học của mình – nơi có nhiều chính sách hỗ trợ các start-up”.
Khánh thừa nhận, ban đầu mặc dù mọi người rất thích ý tưởng, nguyên vật liệu và các tính năng nhưng mẫu mã của phiên bản đầu tiên không được đẹp như hiện tại.
“Bọn mình muốn xây dựng một thương hiệu thời trang thân thiện với môi trường dành cho giới trẻ không chỉ mang tính bền vững, mà còn thu hút khách hàng nhờ thiết kế đẹp, ‘cool ngầu’ với các tính năng công nghệ cao”, Khánh nói.
Hiện tại, một đôi giày của Rens chứa hơn 60% nguyên liệu làm từ bã cà phê và nhựa tái chế, chỉ riêng phần đế giày là không phải từ nguyên liệu tái chế.
Thị trường lớn nhất hiện nay của Khánh và Sơn là Mỹ, sau đó đến Đức, Anh, Phần Lan. Trong thời gian tới, 2 chàng trai dự kiến sẽ tung ra những mẫu giày mới với những nguyên liệu tái chế mới. Đồng thời, mở rộng thị trường sang các nước khác ở châu Âu cũng nằm trong kế hoạch của họ.
Trong khoảng 1 năm qua kể từ khi đưa sản phẩm ra thị trường, Rens đã bán được gần 20 ngàn đôi giày với giá 119 USD/ đôi, Khánh tiết lộ.
Chàng trai sinh năm 1992 cũng cho biết, theo dự kiến, từ đầu năm sau sẽ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.
Với Rens, Khánh và Sơn chia sẻ, mục tiêu lớn nhất của họ không phải là kiếm thật nhiều tiền. “Tất nhiên khi mình làm tốt thì việc kiếm được nhiều tiền, có vị thế trong xã hội… sẽ đi kèm theo đó. Nhưng tham vọng lớn nhất của bọn mình là muốn Rens trở thành một xu thế, để các thương hiệu thời trang lớn nhỏ khác cùng đi theo – cùng chuyển sang dùng các nguyên liệu thân thiện với môi trường”.
“Bọn mình muốn ngành công nghiệp thời trang từ một ngành ô nhiễm thứ nhì thế giới trở thành một ngành giúp xử lý rác thải và chống biến đổi khí hậu. Thậm chí, rộng hơn nữa, Rens sẽ giúp lan truyền xu thế này sang các ngành sản xuất, tiêu dùng khác”.
Bạn gái không chịu được lối sống “start-up”
Chia sẻ về việc làm “start-up”, Khánh cười nói: “Hồi trẻ thấy những câu chuyện thành công của các start-up trên báo đài, mình rất ghen tị. Nhưng sau mình làm rồi mới biết họ thành công vì đã mang đến cho thị trường những giá trị đặc biệt. Đến bây giờ, sau nhiều năm, mình chuyển từ ghen tị sang tôn trọng và nể phục những người đi trước đó”.
Khánh cho rằng, làm kinh doanh, không chỉ riêng “start-up”, nếu không có tinh thần thép thì không thể làm được, bởi vì khó khăn và áp lực là chuyện thường ngày.
“Nếu ai đó muốn khởi nghiệp chỉ vì những hào nhoáng của việc kiếm được nhiều tiền, được lên báo, được thành công… thì mình không khuyến khích, bởi vì khả năng thất bại là rất cao. Cá nhân mình cho rằng bạn chỉ nên khởi nghiệp khi bạn có một giá trị gì đó đặc biệt mang đến cho thị trường”.
Nói về những đánh đổi cuộc sống cá nhân cho công việc, Khánh chia sẻ: “Mình từng đính hôn với cô bạn gái người Phần Lan. Bọn mình gắn bó với nhau 7 năm. Ngay từ những ngày đầu mình mới sang Phần Lan, bạn ấy không nề hà mình là dân nhập cư, nghèo. Nhưng trước thời điểm bọn mình đưa sản phẩm ra thị trường, bạn ấy không chịu được lối sống “start-up” của mình nên đã chia tay.
Người Phần Lan sẽ không hiểu được tại sao mình lại phải làm việc nhiều đến vậy. Văn hóa của họ là cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Còn người châu Á thì lao mình vào công việc”.
Tuy nhiên, Khánh cũng chia sẻ, trong những thời điểm suy sụp ấy, chính những đồng nghiệp và văn hóa làm việc ở công ty đã giúp cậu vực lại tinh thần.
Để đi được đến ngày hôm nay, Khánh đặc biệt đánh giá cao sự đồng hành của người đồng sáng lập là Sơn. Cậu nói, cả hai may mắn khi tìm được người cùng chí hướng với mình, đồng thời lại có các kỹ năng bổ trợ cho nhau. Nếu như Sơn là dân kỹ thuật, làm việc sáng tạo thì Khánh có kinh nghiệm về sản xuất, tài chính, gọi vốn.
“Sơn và mình có thể làm việc liền đến 2h sáng, 3h30p lại lao đi chụp hình. Cả hai có văn hóa làm việc giống nhau. Đó là yếu tố giúp bọn mình làm việc được với nhau lâu dài”.
Trong quá trình làm việc, bất đồng quan điểm là chuyện xảy ra thường xuyên, nhưng cả hai đều thống nhất rằng cần tranh luận thẳng thắn, không để trong lòng và tranh luận đến khi nào giải quyết được vấn đề mới thôi.
Hiện tại, công ty không chỉ có 2 người như những ngày đầu, mà đã có 15 nhân viên với 8 quốc tịch khác nhau. “Lúc này, mình lại phải học cách lớn dần theo công ty, phải có kinh nghiệm về lãnh đạo, về cách dùng người đa văn hóa”.
Khánh tự tin nói rằng, bất kể nhân viên nào trong công ty cũng đều thấy vui vẻ khi được đi làm, ai cũng mong chờ đến thứ 2 mặc dù công việc thực ra rất căng thẳng và còn nhiều khó khăn.
Mục tiêu xa của Rens là tạo ra một doanh nghiệp trăm năm, không chỉ dành cho thế hệ này, mà còn cả cho những thế hệ sau nữa. “Còn bây giờ, mỗi ngày đi làm mình đều thấy vui vì được làm việc mình thích”, Khánh chia sẻ.