Bài chia sẻ của ông Gaurav Arora – Trưởng bộ phận Hệ sinh thái Khởi nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Nhật Bản của Amazon Web Services.
Tác động của đại dịch COVID đến các doanh nghiệp trên khắp châu Á vẫn chưa thực sự được hiểu rõ. Khi các nền kinh tế châu Á bắt đầu dỡ bỏ cách ly xã hội, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang rà soát lại các kế hoạch và dự báo của họ để có thể thích ứng với trạng thái bình thường mới, và tạo cơ hội cho các công ty khởi nghiệp.
Nhiều công ty khởi nghiệp đang sở hữu một trong những phẩm chất đã được minh chứng là đem lại nhiều lợi ích nhất trong thời hậu đại dịch – đó là sự nhanh nhạy uyển chuyển trong kinh doanh. Nhưng sự nhanh nhạy uyển chuyển và khả năng dịch chuyển nhanh chóng chỉ là điểm khởi đầu. Các công ty khởi nghiệp còn phải tìm kiếm cơ hội cắt giảm các chi phí không cần thiết khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, tạo ra liên kết mới với đối tác và khách hàng, và đảm bảo liên tục phát triển kỹ năng mới cho nhân viên. Với các hoạt động này, các công ty khởi nghiệp có thể đặt nền móng để vượt qua và phát triển trong điều kiện bình thường mới.
Nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi số
Trong thời kỳ đầy khó khăn thử thách này, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, đều đang thể hiện mong muốn nhanh chóng chuyển đổi lên đám mây điện toán để không còn bị ràng buộc bởi hạ tầng tại chỗ, điều đang cản trở các doanh nghiệp này thử nghiệm những ý tưởng mới.
Theo Daphne Chung, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, đại dịch đã làm nổi bật tầm quan trọng của chuyển đổi số trong tất cả các ngành. Đám mây điện toán tiếp tục là nền tảng cơ bản cho tất cả các sáng kiến chuyển đổi số, và nhu cầu về đám mây điện toán càng gia tăng khi đại dịch xảy ra. Lợi ích của đám mây điện toán, bao gồm khả năng sử dụng linh hoạt, phát triển nhanh và phạm vi hoạt động toàn cầu, là những giá trị luôn được coi trọng và đang được hiện thực hóa ở khu vực Đông Nam Á.
Các ngành giáo dục và y tế đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật số theo phương thức chưa từng có tiền lệ.
Một ví dụ điển hình là KidsOnline, nền tảng quản lý trực tuyến cho các trường mầm non đang được các giáo viên mầm non, các bậc cha mẹ và trẻ em nhanh chóng ứng dụng. KidsOnline đang phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ giáo dục, hiện đang có mặt tại 40 tỉnh thành, sản phẩm được triển khai tại hơn 1200 trường mầm non, có 150.000 bậc phụ huynh và 20.000 giáo viên mầm non sử dụng với hơn 50.000 lượt truy nhập mỗi ngày. Trong thời gian COVID-19, nhiều trường mầm non truyền thống đã cảm nhận được tác động của việc phải đóng cửa do các quy định giãn cách xã hội. Để giúp giảm nhẹ những khó khăn thách thức này và duy trì việc học tập của trẻ nhỏ, KidsOnline đã liên tục đổi mới sáng tạo trên nền tảng AWS Cloud để cung cấp trải nghiệm giáo dục kỹ thuật số để thu hút các em nhỏ mặc dù hoàn cảnh có nhiều thay đổi.
Tiết kiệm chi phí
Kể cả trong thời điểm thuận lợi, điều hành một công ty khởi nghiệp vẫn có thể là một việc nhiều căng thẳng, và một trong những yếu tố quan trọng nhất đặt nền tảng cho thành công của các công ty này là cách quản lý tài chính. Điều đó có nghĩa là các công ty này cần đảm bảo chỉ chi tiêu cho những thứ thực sự cần thiết.
AWS đề xuất một số phương pháp giúp các công ty khởi nghiệp tiết kiệm chi phí sử dụng dịch vụ điện toán đám mây. Chúng tôi làm việc với các khách hàng là công ty khởi nghiệp để đảm bảo rằng họ sử dụng các mô hình định giá có hiệu quả cao nhất về chi phí và không sử dụng nhiều dịch vụ AWS hơn mức thực sự cần thiết. Công cụ trực tuyến AWS Trusted Advisor giúp các khách hàng là công ty khởi nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu năng và cải thiện an ninh bảo mật bằng cách rà soát việc sử dụng dịch vụ AWS của khách hàng và đưa ra đề xuất giúp tối ưu hóa hiệu năng.
Tại Singapore, chúng tôi đã làm việc với công ty công nghệ fintech MoneySmart để giúp công ty này giảm mỗi tháng 28% chi phí cho đám mây điện toán thông qua các hoạt động tối ưu hóa chi phí. Ví dụ: ứng dụng Spot Instance đã giúp cổng thông tin tài chính cá nhân đạt được mức tiết kiệm gần 50% so với việc sử dụng theo yêu cầu.
Thu hút khách hàng
Chúng tôi biết rằng một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất khi đưa một ý tưởng mới ra thị trường là làm thế nào để mọi người biết đến ý tưởng đó, vì vậy chúng tôi giúp xác định các nền tảng phù hợp để tạo thuận lợi cho việc giới thiệu những ý tưởng này. Tại AWS, chúng tôi luôn luôn nỗ lực để tạo kết nối giữa các công ty khởi nghiệp với khách hàng và đối tác tiềm năng. Chúng tôi thường xuyên kết nối các nhà quản lý điều hành từ các tổ chức lớn với các công ty khởi nghiệp để các công ty này giới thiệu về các giải pháp mới mà các nhà quản lý có thể quan tâm. Những chương trình kết nối này bao gồm các hoạt động ‘chào hàng ngược’, theo đó các tổ chức lớn trao đổi về những khó khăn thách thức của họ và các công ty khởi nghiệp đề xuất giải pháp.
Cuối cùng, dù chúng tôi biết rằng các công ty khởi nghiệp hiếm khi được rảnh rỗi, nhưng họ vẫn cần coi trọng việc không ngừng học hỏi. Hơn bao giờ hết, cần luôn luôn cập nhật thông tin về các sản phẩm mới nhất và phát triển kỹ năng sử dụng các sản phẩm này.
Chúng tôi cung cấp nhiều sự kiện đào tạo miễn phí trực tuyến, trực tiếp hoặc theo yêu cầu cho các công ty khởi nghiệp ở khắp Châu Á nằm trong mọi giai đoạn tăng trưởng, bao gồm các sự kiện AWSome Days và AWS Builders Online Series dành cho các nhà sáng lập trong giai đoạn đầu khởi nghiệp và mới làm quen với đám mây điện toán, và các hội nghị AWS Innovate dành cho các công ty khởi nghiệp mong muốn nâng cao kỹ năng về điện toán đám mây của họ.
Sự nhanh nhạy uyển chuyển tự thân của các công ty khởi nghiệp giúp các công ty này thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường và tạo cơ hội thu hút được khách hàng mới. Bằng cách tranh thủ khoảng thời gian này để đánh giá lại công việc kinh doanh và các cơ hội hiện có, các công ty khởi nghiệp có thể tự tin tiến vào năm 2021 và tương lai xa hơn nữa.