Giải mã 3 lý do chính khiến 50% Startup rơi vào trạng thái “ngủ đông”

Chúng ta cần chân thật với bản thân, người xung quanh và nhà đầu tư về việc chúng ta chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo như thế nào trong thời kỳ mới chứ không còn là những thứ lấp lánh mà chúng ta thường nói tới nữa…

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam.

Đây là đánh giá của bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam tại sự kiện Chung kết Gala chung kết Startup Việt 2020 với chủ đề “The New Normal – Thời đại bình thường mới” tổ chức ngày 2/12/2020 tại Tp. HCM.

CHẬM CHUYỂN ĐỔI, CHẬM THAY ĐỔI

Với vai trò là nhà đầu tư thiên thần của khoảng 19 Startup tính đến hiện tại, 50% trong số này đang ngủ đông. Tháng 10/2020, Mạng lưới đầu tư thiên thần Đông Nam Á đã chính thức được thành lập tại Singapore, có thành viên Việt Nam, xác định vẫn tiếp tục đầu tư vào các startup xuyên biên giới trong tương lai. 50% Startup “ngủ đông” là một thất bại và có 3 lý do mà các nhà khởi nghiệp phải khắc cốt ghi tâm nếu không muốn sớm lãnh thất bại.

Thứ nhất, khi đi pitching (trình bày để gọi vốn), startup luôn mang nhiều cảm xúc và tinh thần rất tốt khi nói về niềm tự hào dân tộc, tự hào vùng miền, sự phấn đấu vươn lên. Nhưng, làm Startup, câu hỏi đầu tiên phải được nhắc đến là Product/Market Fit? Các nhà khởi nghiệp phải trả lời được là sản phẩm của doanh nghiệp có phù hợp với nhu cầu thị trường không, thị trường đó có đủ lớn để các nhà đầu tư phải đầu tư thời gian, nhân lực, tiền bạc vào một khởi nghiệp để giúp doanh nghiệp đó phát triển.

Khi Covid-19 ập đến, nhu cầu của khách hàng cũng thay đổi, hành vi thay đổi. Như vậy, sản phẩm doanh nghiệp đang có liệu có còn phù hợp với thị trường trong giai đoạn bình thường mới không? Nếu sản phẩm không còn phù hợp, Startup phải chuyển động, cần phải thay đổi cả về sản phẩm lẫn cách tiếp cận, thay đổi mô hình kinh doanh để còn liên quan với môi trường mới, thị trường mới, từ đó mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.

“Product Market FIT là một nền tảng cơ bản của Startup. Nhưng các Startup vì quá yêu đứa con tinh thần nên rất khó khăn trong việc chuyển đổi, thay đổi đứa con đó để nó phù hợp với thị trường mới và trạng thái mới. Sự chậm chuyển đổi, chậm thay đổi, thay đổi không đạt đến mức có thể tồn tại và phát triển bền vững”, bà Vân chỉ ra điểm huyệt của các Startup.

Sự thích nghi và thay đổi cách tiếp cận không phải người trẻ thì thích nghi nhanh còn người già thì thích nghi chậm. Người già có sự trải đời, vấp ngã nhiều lần nên họ có trải nghiệm thích nghi tốt hơn. Vì vậy, khi gặp chuyện họ không cứng đầu, biết thay đổi và thích ứng rất nhanh, cách tiếp cận cũng thay đổi để doanh nghiệp của họ tiếp tục tồn tại.

Do đó, khi Startup làm việc với các nhà đầu tư thiên thần hoặc những người đã từng trải, nếu họ chỉ cho các bạn điều gì thì cũng nên lắng nghe, thay đổi, bởi chính sự thay đổi đó sẽ giúp các bạn chuyển đổi được mô hình kinh doanh, chuyển đổi cách tiếp cận của mình và trở nên “còn liên quan” trong giai đoạn mới.

XEM NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC NHƯ NHÀ ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Thứ hai, các Startup Việt thường nhìn vào các nhà đầu tư chiến lược như nhà đầu tư tài chính. Trên thực tế, qua thời gian Covid chúng ta mới thấy sự cần thiết của một nhà đầu tư chiến lược – người cho bạn được lời khuyên, định hướng, cùng sát cánh làm việc để Startup thay đổi mô hình kinh doanh của mình, cho các bạn tầm nhìn mới trong một thế giới mới. Họ sẵn sàng cùng bạn thay đổi trong trạng thái bình thường mới, giúp bạn định nghĩa được mô hình kinh doanh thì đó là nhà đầu tư hết sức quan trọng.

Những người chỉ đầu tư về tài chính, chỉ đầu tư tiền vào rồi “bỏ chạy” họ không quan tâm bạn hoạt động ra sao, hoặc bạn không chọ tham gia vào bất cứ khâu nào của doanh nghiệp thì những Startup như vậy sẽ chuyển đổi không nhanh, không thích ứng kịp trạng thái bình thường mới. Nhà đầu tư tài chính trong giai đoạn này không còn quá quan trọng nữa.

Nhà đầu tư phải tham gia góp ý vào mô hình của bạn, hỗ trợ về kết nối, tầm nhìn, thị trường để làm sao đưa bạn vào được thị trường là điều quan trọng hơn rất nhiều so với khoản tiền mà họ đầu tư. Chính các nhà đầu tư sẽ giúp các Startup thay đổi và thích ứng trong hoàn cảnh mới, còn tồn tại sau Covid. Bà Vân cũng nhấn mạnh, tồn tại được đã là một kỳ công trong điều kiện hiện nay.

“Đây là vấn đề mà tôi hết sức tâm huyết. Trong 1 năm qua, khi không thể bay đi các nước, 1 tuần chúng tôi có 3 tiếng đồng hồ để nói chuyện về chiến lược, liên tục hàng ngày, khuyên Startup thử nghiệm”, Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam.

Chúng tôi phải làm liên tục hàng ngày như vậy để giúp Startup vượt qua khó khăn. Cái đó mới thật sự quan trọng giúp các bạn đi xa được. Chính những trải nghiệm sẽ giúp bạn đi xa hơn, thành công hơn chứ đừng nhìn vào các nhà đầu tư như nhà đầu tư tài chính”, bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

TƯ DUY BẢO THỦ VỀ NGƯỜI DẪN DẮT DOANH NGHIỆP

Thứ ba, các Startup gặp phải là quản trị doanh nghiệp sau khi đã gọi được vốn, có những chỉ số nhất định về doanh thu, phát triển nhân sự. Cụ thể, khi mới khởi nghiệp và còn là một nhóm nhỏ, startup chỉ gói gọn trong quản lý một vài người và phát triển sản phẩm. Thế nhưng, khi đã đạt đến ngưỡng doanh thu rồi, tất cả các vấn đề bao gồm nhân sự, bồi dưỡng, phát triển thị trường, giải quyết các vấn đề tài chính, luật pháp… trở thành vấn đề của công ty có tầm vóc và các bạn sáng lập với kỹ năng của mình không còn theo kịp để ứng phó, biến đổi, lớn cùng doanh nghiệp.

“Trong một vài trường hợp, để cho doanh nghiệp đi nhanh hơn thì tôi đã khuyên Founder (nhà sáng lập) nên thuê 1 người chuyên nghiệp hơn để họ vận hành công ty trong giai đoạn tiếp theo. Còn chúng ta nói câu chuyện xa hơn, có nhiều thời gian đi ra ngoài thị trường để phát triển thị trường tốt hơn. Và như vậy, sẽ tốt hơn cho một Startup”, bà Vân nói.

Tuy nhiên, có những founder hiểu biết và đồng ý với quan điểm nói trên nhưng cũng có những người rất bảo thủ. Những người bảo thủ cho rằng đây là công ty của họ, là đứa con tinh thần của họ nên họ không thể để ai dẫn dắt nó. Đây rõ ràng là câu chuyện nói về doanh nghiệp phát triển, chứ không phải ngồi tranh cãi “công ty của ai” bởi, chúng ta hướng đến mục tiêu doanh nghiệp đại chúng, phục vụ con người.

Giai đoạn phát triển mới của Startup hiện nay chúng ta phải có cái nhìn hết sức chân thật, nhìn lại bản thân, chân thật nhìn lại các mối quan hệ là lúc chúng ta phải đối diện sự thật, chấp nhận sự thật chứ không thể nói những câu chuyện lấp lánh, hay định giá “Fake”…

“Nhiều Startup mới tối hôm nay chốt deal định giá khác, sáng hôm sau lại nhắn tin cho một định giá khác. Đó là điều không thể chấp nhận được”, bà Vân thẳng thắn.

Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam nhận định, Covid-19 là một vấn nạn lớn với mọi người nhưng điều may mắn nó là một sự kiện giúp tất cả chúng ta phải lùi lại một bước, để mọi người cùng nhìn thấy rất rõ và minh bạch hiện trạng của Startup và hệ sinh thái Startup Việt Nam hiện nay.

“Chúng ta cần chân thật với bản thân, người xung quanh và nhà đầu tư việc chúng ta chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo như thế nào trong thời kỳ mới chứ không còn là những thứ lấp lánh mà chúng ta thường nói tới nữa”, bà Nguyễn Phi Vân.

Nguồn: Báo mới

Kênh liên hệ khác!
Gọi ngay cho chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!