Khởi nghiệp không khó, khởi nghiệp thành công mới khó. Câu chuyện khởi nghiệp không chỉ được quyết định bởi ý tưởng hay kế hoạch khởi nghiệp mà nó là thành quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố khách quan và chủ quan. Để trả lời cho câu hỏi “Khởi nghiệp cần những yếu tố gì?”, Khởi Nghiệp Trẻ sẽ mách bạn 6 lời giải đáp ngay sau đây!
1. Niềm tin
Đầu tiên và quan trọng nhất là niềm tin của bạn vào tương lai chính mình. Bạn không thể hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng nào nếu ngay từ đầu đã không tin vào tiềm năng của nó. Niềm tin là yếu tố giúp bạn tiếp tục cố gắng không ngừng nghỉ để hái trái ngọt sau quá trình khởi nghiệp. Không có niềm tin, mọi ý tưởng đều bị giết chết ngay từ “trong trứng nước”. Để khởi nghiệp, bạn cần lựa chọn một ý tưởng nhưng quan trọng là liệu ý tưởng đó có khơi dậy hứng thú và lòng tin nơi bạn để thực hiện nó hay không.
Hãy đặt ra cho mình những mục tiêu và tin tưởng rằng bạn sẽ hoàn thành được chúng. Đương nhiên, cân nhắc tính thực tế trong kinh doanh, bạn không nên có niềm tin hão huyền. Yếu tố niềm tin đúng ở đây là lòng tin tưởng về một ý tưởng đủ tốt, phù hợp với khả năng của chính bạn.
2. Sự sáng tạo
Sống trong một thời đại mà mọi thứ đều biến đổi từng ngày, thậm chí là từng dây thì một đầu óc luôn “nhảy số” là thứ vô cùng cần thiết để bắt kịp sự phát triển và khởi nghiệp thành công. Sáng tạo trong ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo trong cách suy nghĩ, sáng tạo trong việc xây dựng kế hoạch, sáng tạo trong tác phong làm việc,… sẽ là “vũ khí” bí mật giúp bạn chinh phục bất kỳ hình thức khởi nghiệp nào ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, sự sáng tạo vẫn nên nằm trong một giới hạn nhất định. Thỏa sức sáng tạo giúp tuyệt đối hóa khả năng sáng tạo của bạn nhưng không có nghĩa điều này sẽ tuyệt đối hóa hiệu quả công việc của bạn. Sử dụng trí sáng tạo đúng lúc, đúng việc, đúng thời điểm, đúng mức độ mới thực sự mang đến một kết quả tốt. Điều này giống như việc bạn không nên sáng tạo một cái áo phao cho một chiếc tàu ngầm dùng để lặn dưới nước!
3. Tính kiên trì
Mọi ý tưởng khởi nghiệp đều không thể “một bước lên mây” mà phải trải qua một quá trình đầy rẫy những thử thách khó khăn ngày càng nhiều. Vì vậy, lời giải đáp thứ 3 cho câu hỏi “Khởi nghiệp cần những yếu tố gì?” là một tính cách kiên trì. Kinh doanh là ván bài may rủi, đôi lúc bạn thắng, đôi lúc bạn thua nhưng hãy luôn đứng lên và bước tiếp. Bạn cần sự kiên trì nếu muốn làm việc lớn, nhận thành quả lớn.
Tuy vậy, bạn cần hiểu rằng kiên trì chứ không phải mù quáng theo đuổi. Là một người khởi nghiệp thông minh, bạn phải biết đâu là lúc nên từ bỏ để lựa chọn một con đường khác. “Kiên trì” chạy theo điều hư ảo, vô dụng sẽ không thể giúp bạn thành công đâu. Đó là lý do mà tính kiên trì cũng phải được sử dụng và phát huy một cách thông minh.
4. Sự dũng cảm
Đối với bất kỳ người nào vừa khởi nghiệp, sự sợ hãi những thất bại, sợ hãi khó khăn, sợ hãi khu rừng kinh doanh đầy rẫy cạm bẫy ngoài kia. Đây là lúc sự dũng cảm sẽ phát huy tác dụng và trở thành lời giải đáp thứ 4 của câu đố “Khởi nghiệp cần những yếu tố gì?” Thất bại có đáng sợ không? Có! Khó khăn có khổ cực không? Có! Lĩnh vực kinh doanh có phức tạp không? Có! Nhưng không làm thì sao biết được thành quả tương lai? Cũng như việc bạn muốn chạy về đích nhưng không dám chạy thì sẽ không bao giờ tới vạch cuối vậy.
Sự dũng cảm cũng không có nghĩa rằng bạn liều lĩnh vô ích. Có những điều, có những việc là những cái bẫy nguy hiểm mà sự tham lam giăng ra để bạn vào tròng. Bạn phải luôn giữ một cái đầu lạnh để phân biệt đâu là thứ mình nên dấn thân và sống hết mình với nó. Đừng vì liều lĩnh quá mức mà hủy hoại mọi công sức bạn đã bỏ ra ngay từ lúc đầu.
5. Kiến thức cơ bản
Ngoài những tố chất cá nhân thì các kiến thức nền tảng cũng giúp bạn hóa giải câu hỏi “Khởi nghiệp cần những yếu tố gì?”. Nếu bạn có những phẩm chất phù hợp với việc khởi nghiệp rồi thì điều bạn cần kế tiếp là những dụng cụ mài “ngọc” thật sắc bén để khả năng của bản thân thực sự phát huy tác dụng. Viên ngọc thô phải mài mới sáng. Năng khiếu, tiềm năng phải kết hợp với kiến thức cơ bản, kỹ năng nền tảng thì mới có ích cho việc khởi nghiệp.
Mặt khác, nắm kiến thức cơ bản hoàn toàn trái ngược với việc bảo thủ tuân theo khuôn phép. Bạn không nên áp dụng một cách thụ động những lý thuyết mà mình được học. Hãy linh hoạt trong quá trình sử dụng vốn kiến thức ấy và thậm chí có thể sáng tạo, biến hóa chúng phù hợp hơn với bối cảnh, đối tượng, lĩnh vực mà bạn dự định khởi nghiệp.
6. Kỹ năng quản lý
Kỹ năng quản lý là một kỹ năng quan trọng để bạn thành công trong nhiều công việc chứ không phải chỉ trong khởi nghiệp. Kỹ năng quản lý thể hiện ở các khía cạnh như quản lý thời gian, quản lý tài chính, quản lý nhân sự,… Nắm những kho báu trong tay như tố chất, kiến thức,… bạn phải biết cách sử dụng hợp lý chúng để không lãng phí. Quan trọng nhất là kỹ năng quản lý thời gian. Thời gian là thứ bạn chỉ có thể nhìn chúng qua đi mà không làm được gì vì vậy điều duy nhất bạn có thể làm là sử dụng chúng một cách thông minh nhất.
Ngoài ra, nắm được kỹ năng quản lý, bạn vẫn phải cẩn trọng để không rơi vào trạng thái quá lạm dụng các khuôn khổ. Trong khởi nghiệp, sẽ có rất nhiều lần kế hoạch bị vỡ, kinh phí hao hụt, nhân sự làm việc không hiệu quả,… thì đó là lúc bạn nên kiểm tra lại kỹ năng quản lý của mình. Bạn nên lựa chọn một phương thức mềm mại, dễ thích ứng với xã hội ngày nay.
Nguồn: Khởi nghiệp trẻ