Đại dịch Covid-19 kéo số lượng cũng như giá trị các thương vụ đầu tư vào start-up tại Việt Nam giảm mạnh.
Nhưng sự chững lại này lại mở dư địa cho xu hướng mới và khoảng không gian soi lại mình của cả giới start-up và các quỹ đầu tư.
Đại diện Quỹ đầu tư ICM chia sẻ cùng các start-up bên lề một chương trình gọi vốn cho dự án khởi nghiệp. |
Nước lên, thuyền lên
Covid-19 vẫn đang càn quét toàn cầu, nhưng không có nghĩa là chấm dứt mọi hoạt động. Thậm chí, những thay đổi trong hành vi người dùng do tác động của đại dịch đã đẩy xu hướng phát triển mới của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Đầu tư Quỹ CyberAgent Việt Nam cho biết, 3 tháng đầu năm nay, ngành thương mại điện tử toàn cầu tăng trưởng 41%. Tỷ lệ này chỉ được dự báo tăng khoảng 21% khi trước khi đại dịch xảy ra.
Nước lên thì thuyền lên. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, các ngành hỗ trợ như vận chuyển, kho bãi… trở nên sôi động. Khi dịch bệnh, doanh nghiệp kinh doanh trong mảng dược phẩm cũng hưởng lợi lớn.
Đương nhiên, khi các hoạt động giao dịch trực tiếp trở nên đầy rủi ro, dịch vụ trực tuyến, nhu cầu chuyển đổi số trở thành phương án tối ưu trong kế hoạch phát triển của các doanh nghiệp cũng như giới khởi nghiệp sáng tạo.
Ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc điều hành VIC Partners thậm chí còn nhìn thấy sự “lên ngôi” của các thương hiệu nội địa, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang trong thời kỳ Covid-19 với hai lý do.
Thứ nhất, hành vi khách hàng thay đổi. Theo số liệu của Salesforce – Công ty chuyên về phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM), doanh thu của hoạt động bán hàng trực tuyến trên toàn cầu trong quý II/2020 đã tăng vọt 71% so với cùng kỳ năm trước. Lượng truy cập vào các trang thương mại điện tử cũng tăng 37%, tỷ lệ chuyển đổi từ khách truy cập thành khách mua hàng tăng tới 35% và mức chi tiêu của người dùng cũng tăng 34%.
Đây đều là những con số kỷ lục chưa từng xuất hiện trong các báo cáo ghi nhận trước đây của Salesforce.
Thứ hai, tại ở Việt Nam, các trang thương mại điện tử rất nỗ lực để mua sắm trực tuyến trở nên quen thuộc hơn. Họ đã không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để quảng bá hình thức này, từ những chương trình mua sắm đặc biệt dành cho các ngày 8/8, 9/9, 10/10, 11/11 và sắp tới là 12/12…, bên cạnh các sự kiện quen thuộc như BlackFriday…
Ở góc độ thị trường, Giám đốc điều hành VIC Partners cho rằng, lựa chọn trên là khôn ngoan, bởi dù thu nhập của người tiêu dùng có thể giảm đi chút ít, nhưng bù lại, do các khoản chi vào du lịch, ăn ngoài… không thực hiện được, nên người tiêu dùng dành nhiều cho mua sắm online.
“Các công ty làm thương hiệu riêng có lợi nhuận cao, có thể đến 80%, thậm chí hơn, với tỷ lệ lợi nhuận ròng chiếm 15-50%. Lợi nhuận cao trong lúc này là bệ đỡ cho nhiều doanh nghiệp”, ông Tùng chia sẻ.
Cơ hội thật chỉ dành cho người thực tế
Các xu hướng trên được dự đoán sẽ phát triển cả trong dài hạn, chứ không chợt xuất hiện rồi vụt mất khi đại dịch đi qua. Đây là cơ sở để giới start-up hay các quỹ đầu tư lần tìm cơ hội mới.
Tuy nhiên, khi phân tích về cơ hội thị trường cho năm tới, ông Minh Tuấn, đại diện CyberAgent Việt Nam đã phải nhắc đến thực tế là cơ hội không dễ nắm bắt, nhất là với giới start-up vốn bị cho là quá bay bổng, mông lung….
“Ranh giới giữa mông lung và thực tế rất mong manh. Nếu start-up làm không tới, họ sẽ vào nhóm bay bổng. Nhưng với một ý tưởng có thể bay bổng, nhưng được sự hỗ trợ của nhiều thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp để đi đến cùng, start-up đó có thể tạo nên cuộc cách mạng, thay đổi hành vi người dùng”, ông Tuấn phân tích.
Mấu chốt không chỉ nằm ở quyết tâm đi đến cùng của start-up mà còn là năng lực triển khai các kế hoạch. Và nguồn lực từ các quỹ đầu tư mạo hiểm là một “mảnh ghép” rất quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái.
Tuy nhiên, theo bà Chelsea Nguyễn, Giám đốc đầu tư của ThinkZone Ventures, đang có những sức ép cạnh tranh nhất định với các quỹ đầu tư mạo hiểm trong tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như thương vụ phù hợp. Ở khía cạnh tích cực, ThinkZone Ventures kỳ vọng trong giai đoạn bình thường mới, cả start-up và nhà đầu tư có thể tìm kiếm đối tác thật sự phù hợp với mình.
“Start-up sẽ không chỉ gặp thách thức về gọi vốn do ảnh hưởng từ đại dịch mà còn phải định hình chiến lược phát triển bền vững thay vì chỉ tìm đến mô hình “đốt tiền” để tăng trưởng. Do đó, đây là giai đoạn cả start-up và quỹ đầu tư mạo hiểm tìm đến nhau dựa trên giá trị cốt lõi, đó là cùng định hướng phát triển”, bà Chelsea Nguyễn chia sẻ.
Hơn thế, vào thời điểm này, cho dù xu hướng mới xuất hiện và mở rộng khoảng trống về cơ hội cho start-up tham gia vào, nhưng nguồn vốn rót vào các công ty khởi nghiệp được dự đoán chậm và giảm lại bởi khả năng di chuyển của các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trở nên khó khăn hơn.
Với thương vụ giá trị nhỏ, nhà đầu tư nước ngoài có thể chốt thương vụ thông qua các công cụ trực tuyến. Nhưng với thương vụ giá trị lớn, họ sẽ thận trọng, muốn thẩm định đầu tư bằng hình thức tiếp xúc trực tiếp nên khả năng trì hoãn cao, dẫn đến vòng quay vốn trong thị trường chậm lại.
“Nếu các start-up Việt không huy động đủ vốn, cơ hội rất có thể sẽ bị các tay chơi mạnh trong khu vực sẽ nhảy vào”, ông Tuấn đánh giá.
Ông Dennis Lê, Giám đốc đầu tư Openspace Ventures đồng ý với nhận định này. Từ đầu năm đến nay, lượng và chất start-up mà Openspace Ventures tiếp xúc đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi mới gặp gần 100 start-up, kém một nửa năm ngoái. Có thể chúng tôi cũng không chốt được thương vụ nào trong năm nay”, Dennis Lê chia sẻ.
Nguồn: Báo đầu tư