Việc gọi vốn thành công 226 triệu USD giúp Zilingo, một nền tảng trực tuyến hoạt động trên chuỗi cung ứng thời trang, được định giá gần 1 tỷ USD.
Hành trình của Zilingo bắt đầu tháng 12/2014 khi Ankiti Bose, khi đó là một nhà phân tích tại Sequoia của Ấn Độ trò chuyện với một người hàng xóm trong một bữa tiệc tại gia ở thủ phủ công nghệ Bengaluru của Ấn Độ.
Bose, khi đó 23 tuổi, nhanh chóng nhận ra cô có chung sở thích với Dhruv Kapoor, một kỹ sư phần mềm 24 tuổi làm việc cho Kiwi Inc. Tuyệt vời hơn, chuyên ngành của họ có thể bổ trợ cho nhau. Đó cũng là bước đi đầu tiên cho sự ra đời của Zilingo. Bốn tháng sau, họ bỏ việc và đổ toàn bộ số tiền 60.000 USD tiết kiệm được để thành lập Zilingo, nền tảng trực tuyến cho phép các doanh nhân nhỏ ở Đông Nam Á xây dựng cửa hàng trong lĩnh vực thời trang.
Hôm 12/2/2019, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Singapore cho biết họ đã huy động được 226 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Sequoia Capital và Temasek Holdings Pte. Với vòng gọi vốn này, công ty khởi nghiệp của hai bạn trẻ được định giá 970 triệu USD. Cùng với đó, Bose, cô gái xinh đẹp 27 tuổi, trở thành một trong những CEO trẻ nhất trong nhóm các lãnh đạo những công ty khởi nghiệp đắt giá nhất châu Á.
Dù khởi nghiệp công nghệ đang bùng nổ nhưng các nữ sáng lập vẫn thực sự là của hiếm. Trong số 239 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá 1 tỷ USD trên toàn cầu, chỉ có 23 doanh nghiệp có phụ nữ trong quá trình sáng lập. Số liệu này được đưa ra tháng 5 năm ngoái bởi Pitchbook.
“Chúng tôi là một nhóm ở tuổi đôi mươi, chẳng có gì ngoài giấc mơ này và chúng tôi đã quyết định theo đuổi nó”, Bose nói.
Sự bùng nổ của Internet và điện thoại thông minh ở Đông Nam Á là một trong những lý do khiến hai người từng làm việc ở Ấn Độ đặt trụ sở công ty tại Singapore. Mua sắm trực tuyến ở khu vực này đạt tới 23 tỷ USD trong năm 2018 và dự kiến sẽ vượt qua 100 tỷ USD trong năm 2025.javascript:if(typeof(admSspPageRg)!=’undefined’){admSspPageRg.draw(201018);}else{parent.admSspPageRg.draw(201018);}
Zilingo cũng đã công bố doanh thu 1,3 triệu USD vào năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2017, tăng từ 350.000 USD trong suốt quãng thời gian từ khi thành lập đến tháng 3/2016. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2018, doanh thu công ty đã tăng 12 lần. Từ tháng 4/2018 đến 1/2019, doanh thu của nó tiếp tục tăng 4 lần so với năm tài khóa trước đó.
Zilingo bắt đầu hoạt động bằng cách giúp những người buôn bán nhỏ có thể bán hàng. Sau đó, nó mở rộng sang các lĩnh vực mới. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu tiếp cận với công nghệ và vốn của những người bán lẻ, Zilingo đã phát triển các công cụ cho phép các nhà cung cấp truy cập vào kho của các nhà máy từ Bangladesh tới Việt Nam, giúp họ quản lý vận chuyển xuyên biên giới và kiểm soát hàng tồn kho.
Kể từ năm 2018, Zilingo cũng làm việc với các công ty tài chính để cấp vốn lưu động cho những người bán hàng nhỏ lẻ để họ có thể mua nguyên liệu thô và sản xuất hàng hóa. Danh sách được cung cấp miễn phí nhưng Zilingo thu 10 đến 20% chi phí của mỗi đơn hàng thành công.
Nguồn cảm hứng ban đầu của Zilingo đến khi Bose tới thăm chợ Chatuchak nổi tiếng ở Bangkok, nơi có tới 15.000 gian hàng từ những người bán ở khắp Thái Lan. Cô gái trẻ nhận ra họ có đủ lượng khách hàng để phát triển công ty và mở rộng thị trường.
Khi bắt đầu có văn phòng đại diện ở Thái Lan và Campuchia vào năm 2015, Zilingo đã mở rộng văn phòng ở 8 quốc gia với 400 nhân viên. Nó vận hành các trang thương mại điện tử về thời trang ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và đang chuẩn bị ra mắt tại Australia.
Lớn lên ở Ấn Độ với cha là kỹ sư tại một công ty dầu khí nhà nước, điều khiến gia đình phải liên tục di chuyển khi Bose còn nhỏ, cô gái trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều bản sắc văn hóa và ngôn ngữ khác nhau ở đất nước tỷ dân. Tốt nghiệp xuất sắc khi còn là sinh viên, Bose vẫn bỏ công việc nhiều người mơ ước tại các công ty tài chính hàng đầu để khởi nghiệp.
Khi những khó khăn ban đầu đã qua đi, thách thức lớn nhất với Bose trong vai trò CEO Zilingo là xây dựng bộ máy quản lý và vận hành nhưng vẫn đảm bảo văn hóa doanh nghiệp. Nó cũng chẳng nhàn hạ gì hơn so với phải làm việc 18 tiếng/ngày trong những năm đầu khởi nghiệp.