Hiện nay chuyển đổi số là bước chuyển mình bắt buộc, có ý nghĩa sống còn trong thế kỷ của biến động, của cạnh tranh và suy thoái. Tuy nhiên, bất chấp nhiều năm tháng không ngừng trao đổi, thảo luận thì chuyển đổi số như thế nào, bắt đầu từ đâu vẫn là những ẩn số.
Trong kỷ nguyên số, nhiều nhà lãnh đạo vẫn cảm thấy lúng túng trước xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp dễ dàng hoang mang trước những lời tư vấn cũng như những công nghệ khác nhau được mời chào. Nếu không có chiến lược, hiểu biết rõ ràng, các doanh nghiệp dễ sa chân mà thất bại trên hành trình chuyển đổi.
Mới đây thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Vậy mới thấy hiện nay chuyển đổi số rất quan trọng với nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Bài viết dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và chuyển đổi số có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?
1. Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số(Digital Transformation) là sự thay đổi tư duy, phương thức hoạt động và giải quyết vấn đề của doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân bằng cách ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và hệ thống internet có hiệu quả. Mục tiêu của chuyển đổi số là tận dụng tiềm năng của công nghệ số hoá để cải thiện hiệu suất công việc, gia tăng giá trị và tạo ra sự thay đổi tích cực cho tổ chức, khách hàng và xã hội.
Trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật đổi số, các tổ chức sẽ áp dụng các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), Công nghệ điện toán đám mây (Cloud computing), Big data và Phân tích dữ liệu (Data Analytics), Business Intellgence(BI) cùng nhiều công nghệ khác để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản trị tài chính, cải thiện tương tác với khách hàng, tăng cường trải nghiệm người dùng và nâng cao sự sáng tạo và tính cạnh tranh của tổ chức.
2. Bốn trụ cột ưu tiên trong chuyển đổi số
a. Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin
Đây là bước khởi đầu trong tiến trình chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu suất, giảm chi phí bảo trì công nghệ thông tin, nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công cho biết chuyển đổi số bắt đầu bằng việc nâng cấp sơ sở hạ tầng công nghệ, dữ liệu và đám mây. Ngân sách sẽ được rót xuống cho các sáng kiến số nhằm đạt tới mục tiêu hiện đại hóa các nền tảng công nghệ thông tin, thay đổi cách thức truyền thông trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không giống như trên lý thuyết, khi bắt tay thực tế vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng số chưa bao giờ là dễ dàng. Hiện nay nhiều công ty vẫn đang phải vật lộn với cách thức, định hướng, chiến lược cụ thể để xóa đi quy trình truyền thống, cách vận hành cũ. Việc xây dựng, rà soát, sửa đổi nội quy, quy chế, quy trình giải quyết công việc nội bộ, cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới chấp hành nghiêm sự lãnh đạo chỉ đọa của cấp trên chưa được chặt chẽ, hiệu quả.
Vì vậy, trong giai đoạn này các doanh nghiệp cần có định hướng đầu tư đúng đắn vào hệ thống công nghệ thông tin bao gồm những trang bị cơ bản về phần cứng, phần mềm và nguồn nhân lực. Mức độ trang bị cần đạt mức độ “cơ bản”, có thể khó đạt đến độ đồng nhất nhưng cần đạt được yêu cầu chính về cơ sở hạ tầng công nghệ, giải quyết được khó khăn trong vận hành. Việc thiết lập quy trình làm việc mới, xây dựng quy trình giải quyết công việc số, nhanh hiện đại cũng sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
b. Số hóa hoạt động
Đây là trụ cột quan trọng thứ hai trong tiến trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Trong quá trình số hóa, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ để tối ưu hóa, đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy trình hiện có. Mục tiêu là sử dụng công cụ số hiện đại như AI, 5G, IoT để giúp tăng doanh số, đạt mức tăng trưởng đột phá trong kinh doanh.
Việc số hóa hoạt động liên quan mật thiết đến việc cấu trúc lại hệ thống để đáp ứng nhu cầu khách hàng hiện đại.
Một doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số bằng cách số hóa các quy trình, kiến trúc lại toàn bộ quy trình cần phải bắt đầu từ số hóa tài liệu. Để dự án số hoá tài liệu đạt kết quả tốt nhất, các tổ chức, doanh nghiệp cần lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ uy tín, giàu kinh nghiệm để tối ưu hoá chi phí, thời gian và nhân lực triển khai.
c. Đẩy mạnh tiếp thị số
Đây là át chủ bài giúp nhiều doanh nghiệp hiện đại xây dựng nhận thức về thương hiệu, nắm vững, tận dụng insight khách hàng, bán hàng trực tuyến hiệu quả. Trụ cột này cần doanh nghiệp phải tập trung vào các công cụ số để tương tác và bán hàng cho khách hàng. Để các kênh tiếp thị số phát triển mạnh mẽ đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần đa dạng các nguồn lực khác nhau như tập trung đầu tư vào thu thập dữ liệu sạch, đầu tư vào các công cụ số như trí tuệ nhân tạo AI. Như vậy, việc hiểu hơn về khách hàng và xây dựng thương hiệu sản phẩm đa kênh không còn quá nhiều trở ngại.
Hiện nay nhiều nhà bán lẻ toàn cầu đang tận dụng tối ưu các kênh truyền thông số, AI để nâng cao trải nghiệm khách hàng, thiết lập thị trường số và nâng cao hiệu quả chiến dịch marketing trên toàn cầu. Tỷ lệ chuyển đổi có thể tăng vọt bằng cách tạo quảng cáo cụ thể của khách hàng dựa trên khu vực, sở thích và thói quen mua hàng của họ. Các doanh nghiệp có thể tăng tỷ lệ chuyển đổi từ 2 đến 3% dựa vào việc tạo quảng cáo ứng với sở thích của người dùng. Việc giữ chân khách hàng là rất quan trọng vì thực tế 80% lợi nhuận trong tương lai đến từ 20% khách hàng hiện tại.
Có thể thấy môi trường kỹ thuật số hiện là nơi mà các doanh nghiệp dễ dàng nhắm tới một đối tượng cụ thể, tối ưu chi phí và đem tới những chương trình ưu đãi riêng biệt phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân.
d. Trở thành một doanh nghiệp số
Hiện nay, để nắm bắt những cơ hội này, nhiều doanh nghiệp trở nên chật vật, thử nghiệm, thất bại và buộc phải xoay trục sang các nguồn tăng trưởng mới, vượt khỏi lối mòn truyền thống.
Chuyển đổi số sẽ mang đến cơ hội để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm cũng như dịch vụ mới để nhiều doanh nghiệp tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn giúp nâng cao doanh thu, đẩy mạnh các chỉ số tăng trưởng.
Như vậy bên cạnh 4 trụ cột chính đã nêu trên, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng, đúng đắn và tận dụng hiệu quả các nguồn lực cũng sẽ là những yếu tố quyết định thành công trên hành trình chuyển đổi số.