Kể từ khi áp dụng mô hình chuyển đổi số, tự động hóa vào nông nghiệp, anh Phạm Cao Kỳ đã giúp người nông dân tăng năng suất, tiết kiệm chi phí với việc trồng trọt.
Cao Kỳ (trái) bên nông trại trồng hoa sử dụng công nghệ thông minh. ẢNH: NVCC
Mê chế tạo robot từ nhỏ
Là con nhà nông ở vùng quê Quảng Nam nhưng từ nhỏ Phạm Cao Kỳ (37 tuổi) lại có niềm đam mê kỹ thuật chế tạo robot. 12 tuổi, Kỳ có sở thích khác bạn bè cùng lứa. Anh rất mê đọc báo, suốt ngày tìm tòi những bài về công nghệ, kỹ thuật động cơ để nghiền ngẫm. Tốt nghiệp THPT, anh chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM để viết tiếp ước mơ chế tạo robot của mình.
Ngay từ năm nhất, anh Kỳ tự mua sách học các môn chỉ có sinh viên năm 3 mới được học. Anh tìm tòi rồi chế tạo cho mình những con robot chỉ để thỏa niềm đam mê.
Anh Kỳ tham gia vào câu lạc bộ robot của trường và nằm trong đội dự thi Robocon toàn quốc (đoạt giải ba). Anh đã tự kiếm tiền từ những sản phẩm mình chế tạo khi còn đi học.
Ra trường, anh xin làm một số dự án các dây chuyền tự động hóa trong công nghiệp. Thừa thắng xông lên, anh Kỳ lập công ty tập tành khởi nghiệp khi mới ra trường được 1 năm.
“Tôi nhận thấy mình còn thiếu sót nhiều thứ, nhất là quản trị nhân sự, tài chính, thị trường. Ngoài ra, thiết kế những sản phẩm dự thi rất dễ nhưng để làm ra một sản phẩm ứng dụng thực tiễn trong 5 – 10 năm là câu chuyện hoàn toàn khác nên tôi quyết định ngưng, ra ngoài đi làm thuê”, anh Kỳ nói về bài học đầu tiên rút ra cho mình.
Làm việc cho tập đoàn công nghệ lớn, anh và nhóm bạn 5 người vừa hợp tác nghiên cứu nhiều sản phẩm ngoài giờ làm việc. Năm 2013, anh âm thầm xây dựng chiến lược, đi học nâng cao kiến thức về ngành tự động hóa và lên ý tưởng chuẩn bị thời cơ trở lại khởi nghiệp.
Sản phẩm đầu tay nhóm cho ra lò là khóa xe máy thông minh, hoạt động theo kiểu tự động mở, khóa xe từ xa. Khóa xe thông minh mới này đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ trong nước khi vừa được tung ra không lâu. Tuy vậy, sản phẩm không thể cạnh tranh với một “ông lớn” cũng đưa ra sản phẩm trong 1 năm sau đó. Kỳ thất bại trong lần khởi nghiệp thứ 2.
Tìm đường bằng nông nghiệp thông minh
Năm 2017, trào lưu nông nghiệp sạch kết hợp nông nghiệp thông minh bùng nổ. Anh liền bắt tay nghiên cứu sản xuất mô hình tự động hóa với cây trồng. Đây cũng là thế mạnh chủ lực của nông dân Việt nhưng ít người khai phá.
Năm người bạn từ thuở làm thuê kết hợp thành nhóm. Mỗi người một kinh nghiệm như kỹ thuật, dịch vụ, chế tạo, nhân sự… cùng hợp sức lại. Người góp tiền, người góp công, lên ý tưởng. Sản phẩm thành hình, nhóm triển khai mô hình thử nghiệm miễn phí cho nông dân ở nhiều nơi. Mục đích kiểm tra hệ thống, và cho nông dân quen dần với công nghệ tự động mới. Tuy vậy, khó khăn lại đến, sản phẩm không bán được cho nông dân mà chỉ bán được cho doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân là nông dân chưa quen với giá thành, ngại thay đổi tư duy nông nghiệp truyền thống. Anh lại đi tìm tòi, học hỏi ở nhiều nơi, nhờ vào trợ giúp của Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP.HCM về vi mạch số. Bắt đầu tính phương án giảm giá thành sản phẩm.
Mô hình nông nghiệp thông minh của anh Phạm Cao Kỳ không khác gì tín hiệu giao thông thông minh. Mọi quy trình sẽ được số hóa trên hệ thống. Sau đó bộ não trung tâm sẽ điều khiển tự động tưới nước, bón phân, xử lý vi sinh, cải tạo đất, xử lý sâu bệnh theo nguyên lý hữu cơ. Bất kể trồng cây gì, nhân sự ra sao, đầu ra sản phẩm đều có giải pháp cho từng trường hợp. Phần thô gồm các hạ tầng cơ bản như nhà lồng, điện và máy bơm tưới tự động. Ngoài ra đồng bộ các dữ liệu vào một ứng dụng kiểm soát điều chỉnh bằng máy tính hoặc điện thoại.
“Tôi một lần nữa nhận định lại thị trường trong nước, đó là những mô hình trồng trọt nhỏ lẻ. Thế nhưng, giải pháp của tôi không bán được cho nông dân Việt. Chỉ bán được cho những công ty nông nghiệp của Nhật. Vì đáp ứng hoàn toàn nhiều thứ người Nhật cần, giá rẻ với người Nhật nhưng người Việt chưa nhìn thấy”, anh Kỳ kể.
Anh Phạm Cao Kỳ (phải) hỗ trợ nông dân sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh. Ảnh: NVCC.
Năm 2019, sản phẩm đầu tiên anh thuyết phục được bà con nông dân trồng cà chua ở Đơn Dương (Lâm Đồng), bởi sự cải tiến, giải pháp giá rẻ phù hợp hơn với nhu cầu cho từng hộ nông dân.
Anh Kỳ nói thêm: “Trong nông nghiệp không thể sao chép mô hình như nhau được. Mỗi nơi, mỗi vùng đất sẽ có một giải pháp riêng biệt. Nhờ giải pháp này tôi giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, sức lực và khoảng 12 triệu đồng tiền thuê nhân công/tháng/ha đất. Hệ thống kiểm soát rủi ro được lượng nước và phân tưới cho cây trồng. Sau khi trồng 3 vụ mùa, nông dân có thể biết được lượng phân bón tồn dư trong đất ra sao. Từ đó có thể điều chỉnh trồng loại cây khác cho phù hợp với vụ sau. Nhờ vậy, giải pháp của tôi có thể kiểm soát được độ to, lớn và vị của trái cây khi trồng”.
Thành công ban đầu, anh dần tiến sâu hơn với nhiều giải pháp nông nghiệp cho nông dân ở nhiều tỉnh thành hơn. Anh tham gia các dự án nông nghiệp cùng các đơn vị lớn. Từ cây cà chua, anh tiến xa hơn với cây dưa lưới, ớt, dưa hấu… tạo hệ sinh thái nông nghiệp thông minh liên kết với nhiều nhà vườn. Nhờ đó anh có thể giúp doanh nghiệp nhỏ của mình trụ vững qua những biến động của mùa dịch.
“Khởi nghiệp về nông nghiệp là mảnh đất tiềm năng trong những năm tới. Tuy nhiên, phải trông chờ vào sức sáng tạo của người trẻ, kết hợp công nghệ tiên tiến. Đó là cơ hội lớn dành cho những bạn trẻ có đam mê, kiên trì mới thành công nếu chọn khởi nghiệp nông nghiệp thông minh”, anh Kỳ nhìn nhận.
Nguồn: Khởi nghiệp sáng tạo