Lê Yên Thanh nhận định, thị trường giao thông công cộng Đông Nam Á còn nhiều dư địa phát triển mang cơ hội lớn cho BusMap thời gian tới.
CEO BusMap Lê Yên Thanh. Ảnh: NVCC. |
– Tại sao anh từ chối cơ hội làm việc tại Google để về Việt Nam?
– Khó khăn nhất khi ở nước ngoài là xin visa làm việc, còn tìm việc thì có nhiều cơ hội, nhất là với ngành công nghệ thông tin.
Việc về hay ở tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Bản thân tôi nghĩ, nếu làm ở nước ngoài, tôi sẽ phải xa gia đình, bạn bè và người thân, điều này rất buồn. Vào thời điểm đó, nếu tôi chọn làm việc tại Google và đặt mục tiêu lao động để kiếm tiền, tôi vẫn sẽ hạnh phúc. Bạn bè của tôi cũng có người làm việc tại các công ty lớn như Google, Facebook… và họ giờ đã là trưởng bộ phận với mức lương cao, mua nhà định cư. Tôi nghĩ bản thân cũng sẽ như thế nếu chọn ở lại nước ngoài. Song đó không phải là mục tiêu cuối cùng của tôi, vì thế tôi có thể sẽ không cố gắng và không thể phát triển bản thân nhiều như bây giờ.
– Từng nhậnđịnh Việt Nam cómôi trường khởi nghiệp tốt, sau một thời gian về nước anh thấy thế nào?
– Quan điểm này của tôi hiện vẫn đúng. Giới trẻ khi tìm việc, họ thường nhìn về mức lương hơn là những giá trị lâu dài. Riêng tôi lại nhìn về những giá trị bền vững, ở đây là cơ hội để học hỏi và phát triển. Đến bây giờ tôi nghĩ rằng bản thân đã học được rất nhiều thứ khi về Việt Nam. Bốn năm qua, tôi có cơ hội tiếp xúc nhiều người giỏi, có cơ hội đảm nhiệm những vị trí cấp cao.
– Là dân kỹ thuật, khi bước chân vào kinh doanh, anh gặp phải những trở ngại gì?
– Tôi đã thay đổi bản thân, trước tiên là ở tư duy. Khi startup, mình không chỉ cần có tư duy công nghệ mà còn phải có tư duy thực tiễn để nhìn thấy tiềm năng kinh doanh. Làm về kỹ thuật, người ta thường thích những điều gì chắc chắn. Nhưng làm kinh doanh lại liên quan đến mạo hiểm nhiều hơn. Tôi cần phải có sự can đảm nhất định.
Ngoài ra, tôi còn phải học thêm về cách tư duy chiến lược, kiến thức tài chính để phát triển công ty. Tôi cũng thay đổi cả cách đặt vấn đề, đặt câu hỏi để giải quyết những vấn đề chung.
– Ra đời sau hơn 7 năm, hiện BusMap thay đổi như thế nào?
– BusMap, ứng dụng hỗ trợ người đi xe buýt tại TP HCM đời vào năm 2013. Khi đó, tôi còn là sinh viên, nên sản phẩm được thiết kế xuất phát từ nhu cầu bản thân, gồm những tính năng cơ bản. Hiện BusMap đã hoàn chỉnh và khá thông minh. Đơn cử như tính năng xem thời gian xe đến trạm nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo và nâng cấp thuật toán tiên lượng. BusMap không chỉ tìm đường đi xe buýt mà còn kết hợp với metro, xe buýt đường sông và xe ôm công nghệ.
Công nghệ cốt lõi của BusMap cũng thay đổi. Thời mới khởi nghiệp, đội ngũ chúng tôi phải dùng công nghệ bản đồ của các nhà cung cấp khác, hiện nay chúng tôi tự xây dựng và kiểm soát nền tảng đó. Từ đó, đơn vị có thể tạo ra nhiều mô hình kinh doanh riêng lẻ khác. Hiện BusMap đã triển khai với các doanh nghiệp để có nguồn thu riêng như xe buýt đưa rước học sinh, xe đưa rước công nhân viên. Thay vì chỉ tập trung vào những người đi xe buýt, ứng dụng sẽ hướng tới tất cả người sử dụng giao thông công cộng nói chung. Đến nay chỉ có một thứ không thay đổi, chính là sự miễn phí. Ứng dụng hiện mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, ngoài TP HCM.
– Anh tận dụng các lợi thế ra sao khi xây dựng sản phẩm?
– Từ khi còn sinh viên, tôi đã có các thành tích và mối quan hệ nhất định. Đây là những điểm khởi đầu tốt, giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc khởi nghiệp. Tôi bắt tay vào khởi nghiệp sớm khi mới ra trường. Vì thế, bản thân cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm. Từ đó, tôi có bước đi nhanh hơn và giảm thiểu việc phạm phải sai lầm.
– Những thách thức anh và cộng sự đối mặt trong quá trình khởi nghiệp là gì?
– Những ngày đầu, tôi gặp phải khó khăn trong việc tuyển nhân sự như cách tìm người phù hợp, cách giữ chân họ… Tôi còn trẻ, khi gặp những người lớn tuổi hơn, họ thường ít tin tưởng. Tôi cần phải chứng minh năng lực bản thân và xây dựng văn hóa công ty. Văn hóa công ty tôi hướng đến như một gia đình, mọi người sẽ tự giác nhiều hơn là bắt buộc, giúp cho đội ngũ vui vẻ khi làm việc với nhau.
Hơn hết, tôi nghĩ, bất kỳ startup nào cũng sẽ gặp khó khăn về việc định dạng mô hình kinh doanh, cách tiếp cận nhà đầu tư và gọi vốn, phát triển nhân sự và sản phẩm. Với BusMap, khó khăn lớn nhất chính là xây dựng mô hình kinh doanh. Thuở đầu, đây là ứng dụng miễn phí, nên rất khó để thuyết phục nhà đầu tư về mô hình kinh doanh thật sự hiệu quả. Về lâu dài, để tạo doanh thu thì dễ, nhưng để mở rộng và tăng trưởng một cách chiến lược thì cần có một mô hình thật tốt. Hiện tại, tôi vẫn không ngừng suy nghĩ và nghiên cứu để BusMap hoàn thiện theo đúng hướng đi cốt lõi.
Đội ngũ BusMap đa số đều là người trẻ. Ảnh: NVCC. |
– Những kết quả BusMap đạt được ra sao?
– Ứng dụng có hơn 2 triệu lượt tải, hơn 400.000 người dùng thường xuyên mỗi tháng và chiếm hơn 20% lượng người đi xe buýt tại TP HCM. Đó là một con số đáng tự hào mà ít có startup nào có thể dễ dàng đạt được. Hiện nay, BusMap là ứng dụng lớn nhất về giao thông công cộng tại Việt Nam.
Mỗi ngày, ứng dụng có hơn 2.000 người dùng mới ở TP HCM. Con số này cho thấy, BusMap phần nào giúp phát triển dịch vụ giao thông công cộng ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tôi từng nghe nhiều người dùng chia sẻ rằng, khi họ còn là sinh viên, nhờ di chuyển bằng xe buýt và sự tiện dụng khi sử dụng BusMap, họ tiết kiệm khoản tiền đáng kể. Sự đóng góp của BusMap đã diễn ra trong bảy năm và đã có rất nhiều thế hệ sinh viên tương tự như thế.
– Kế hoạch của anh tới đây là gì?
– Lý tưởng nhất, BusMap sẽ phát triển thành công công nghệ của mình ở những sản phẩm phục vụ cho giao thông thông minh. Mọi người sẽ thấy chúng tôi giúp ích nhiều cho giao thông ở Việt Nam và nhân rộng sang các nước khác.
Điều chắc chắn là BusMap sẽ luôn miễn phí và phát triển nhiều tính năng hơn hướng đến người dùng giao thông công cộng. Trong 2-3 năm tới, theo tôi, giao thông công cộng sẽ rất phát triển, nhất là ở TP HCM và Hà Nội khi các tuyến metro hoàn thành. Lúc đó, người dùng BusMap hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác do chúng tôi phát triển, sẽ nhiều lên. BusMap sẽ không chỉ là ứng dụng phục vụ người đi xe buýt mà phục vụ người dùng trong suốt quá trình sử dụng giao thông công cộng nói chung.
Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài. Nhìn chung, giao thông công cộng ở các nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa phát triển. Đây là cơ hội để BusMap nhân rộng mô hình của mình.
Tất Đạt
Lê Yên Thanh, sinh năm 1994, nổi danh từ khi còn là sinh viên với BusMap, ứng dụng hỗ trợ người đi xe buýt tại TP HCM. Năm 2015, Yên Thanh trở thành thực tập sinh tại Google (Mỹ) với mức lương 6.000 USD/tháng. Về sau, Google đề nghị Thanh ở lại làm việc nhưng anh từ chối và về nước khởi nghiệp.
Tháng 8/2019, Yên Thanh thành lập công ty để quản lý BusMap. Tháng 3/2020, startup này nhận vốn đầu tư hơn 1,5 triệu USD từ một tập đoàn lớn.
Nguồn: Startup