UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử và khánh thành Không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau.
Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền tỉnh Cà Mau nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử.
Sàn giao dịch thương mại điện tử Cà Mau có địa chỉ là https://madeincamau.com. Qua địa chỉ này, doanh nghiệp Cà Mau có cơ hội tiếp cận miễn phí lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ; quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả và giảm thiểu thời gian, chi phí kinh doanh.
Mặt khác, phía người tiêu dùng sẽ có nhiều tiện lợi hơn trong việc mua hàng, đặc biệt là khách du lịch khi đến Cà Mau sẽ thuận lợi hơn khi có được những mặt hàng đặc sản vùng miền ưng ý nhất được giao đến tận nhà, khỏi phải “tay xách nách mang” như trước.
Ông Lê Quân – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau – cho biết, Cà Mau tập trung đẩy mạnh thương mại điện tử. Trong đó bao gồm hàng hóa của địa phương bán đi trong nước và quốc tế và Sàn giao dịch vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc và con giống.
Thương mại điện tử giúp giảm giá thành, giảm chi phí, quản lý tốt chất lượng và kết nối nhanh nhất người dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua đó, đẩy mạnh thanh toán điện tử và hạn chế dùng tiền mặt. Đơn cử, việc đưa sàn vật tư và thức ăn nuôi tôm, sẽ giúp giảm 20% giá bán cho nông dân, cung cấp tín dụng cho nông dân mua hàng và kiểm soát được chất lượng đầu vào ngành tôm.
Đối với không gian khởi nghiệp, bước đầu, tỉnh Cà Mau cải tạo lại và khai thác 4 tầng của tòa nhà số 28, đường Phan Ngọc Hiển (phường 2, TP Cà Mau). Nơi đây sẽ là không gian làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Cà Mau khởi nghiệp, sáng tạo. Đây còn là nơi để doanh nghiệp trưng bày và bán các sản phẩm khởi nghiệp, cà phê kết nối, cà phê khởi nghiệp, nơi tổ chức các sự kiện khởi nghiệp…
UBND tỉnh Cà Mau đặt kỳ vọng, khi đi vào hoạt động, không gian khởi nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giúp hỗ trợ, ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo ban đầu thành những sản phẩm, dịch vụ, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và thị trường; giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu, giảm thiểu rủi ro và chi phí; hỗ trợ thúc đẩy việc thương mại hóa và ứng dụng sản phẩm vào cuộc sống, tạo ra doanh thu và lợi nhuận tốt nhất.
Để thu hút du khách, UBND tỉnh Cà Mau giao Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh (iPEC) tập trung vào nhiệm vụ xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là: Tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tăng cường hoạt động truyền thông, các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm để quảng bá tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, gắn với phát triển dịch vụ, trải nghiệm; cần chọn sự kiện điểm nhấn để kéo du khách về Cà Mau, cùng với đó tổ chức nhiều hoạt động tiếp nối, chuỗi sự kiện để du khách có thời gian ở lại Cà Mau dài ngày.
“Việc này không chỉ làm trong năm 2021 mà phải thực hiện thường xuyên, từng bước tăng quy mô, tổ chức bài bản hơn để du khách đến Cà Mau thêm yêu mến, thêm tình cảm với vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc” – ông Lê Quân nhấn mạnh
Tại buổi lễ ra mắt, người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau cũng đề nghị các đơn vị liên quan của tỉnh cần tập trung thu thập thông tin, nhu cầu đầu tư; Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư, tích cực thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư dự án trọng điểm (Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, thu hút các dự án đầu tư du lịch vào Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ, dự án Khu du lịch Mũi Cà Mau) nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; Ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch..
Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao trình độ tham gia và khai thác các ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Nguồn: Dân trí