Bùi Bảo không đặt mục tiêu quá lớn khi sáng lập VECA, mà chỉ nỗ lực kết nối các bên thu mua phế liệu thông qua nền tảng công nghệ, xây dựng VECA trở thành hệ sinh thái tái chế.
Kết nối các bên thu mua phế liệu
Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang chọn cụm từ viết tắt của ve chai – VECA – cho tên của dự án khởi nghiệp đã được “thai nghén” hơn 1 năm qua và dự kiến ra mắt đầu tháng 4/2021. Họ sẽ không dừng ở giai đoạn đưa VECA trở thành ứng dụng thu mua ve chai cài đặt trên điện thoại di động, mà dự kiến, vào năm vận hành thứ hai, khi có nguồn dữ liệu rõ ràng hơn về thị trường, sẽ tạo nên bước ngoặt cho VECA.
Trong năm đầu, VECA ở vai trò là một ứng dụng kết nối người thu mua ve chai với người bán (các hộ gia đình, chủ cửa hàng nhỏ lẻ…) và chủ vựa phế liệu. Người có nhu cầu bán dùng ứng dụng này để đặt thu gom (nhựa, giấy, nhôm, sắt…) và người thu mua sẽ đến.
Bùi Bảo cho biết, VECA phải khảo sát tại các vựa thu mua và cập nhật giá lên ứng dụng. “Ban đầu, các chủ vựa sẽ báo cho VECA giá mua, nhưng sau này, họ có thể tự chỉnh giá trên nền tảng”, Bảo nói.
Trên phiên bản cho người đi thu gom ve chai, cũng hiển thị vựa nào, khu vực nào mua giấy, nhựa…, giá ra sao để họ có thể tự chọn nên bán hàng cho ai. Hiện các chủ vựa đều phải ghi chép thủ công và sắp tới, VECA cung cấp cho họ công cụ cập nhật tổng đơn, nguồn nguyên liệu, tổng phí đã mua…
“Chúng tôi không thu phí các bên. Ở giai đoạn đầu, VECA ở vai trò kết nối, thúc đẩy các bên, để qua giai đoạn sau, phát triển VECA thành một phần của hệ sinh thái tái chế, nâng tỷ lệ rác thải được phân loại và phế liệu được tái chế lên càng nhiều càng tốt”, Đỗ Thị Minh Trang chia sẻ thêm.
Lời nói của chủ vựa hiệu quả gấp 10 lần
“Đa phần người đi thu mua ve chai là người nghèo, lớn tuổi và không rành công nghệ. Việc họ sử dụng được app cũng là cả một vấn đề. Hơn nữa, đa số khách thấy thương tình các ông bà cụ đi mua, nên lấy chút đỉnh cho vui hoặc cho luôn. Giờ cầm app xem giá, chốt đơn, vô tình tình cảm đó nhạt đi mất”, cộng đồng mạng nói về VECA.
Bùi Bảo cho rằng, nhiều người đang dùng lăng kính của cảm xúc khi nhìn những người nhặt, thu gom ve chai như người già, sức khoẻ yếu, hay trẻ em. Thực tế, có một lực lượng chuyên nghiệp làm nghề này với thu nhập còn cao hơn nhiều nhân viên văn phòng.
“Khi không có nhu cầu, họ không nghĩ đến việc cần một chiếc điện thoại thông minh tầm 2-3 triệu đồng. Nhưng nếu giúp họ nhận ra nhu cầu ấy, việc chuyển đổi để thích nghi là hoàn toàn khả thi vì thuật toán của VECA sẽ giúp người mua ve chai có quãng đường thu gom hiệu quả nhất, từ đó mua được nhiều hơn, ổn định hơn”, Bảo cho biết.
Viễn cảnh về câu chuyện “tôi không muốn sử dụng VECA” chắc chắn xảy ra với người thu gom ve chai nhỏ lẻ. Vì vậy, đội ngũ VECA chọn cách tiếp cận các chủ vựa thu mua, đặc biệt là người trong độ tuổi trung niên. Họ sẽ tiếp cận và sử dụng VECA nếu ứng dụng mang lại hiệu quả kinh doanh, đồng thời giới thiệu người thu gom cùng dùng.
“Một lời nói của chủ vựa hiệu quả hơn lời thuyết phục của VECA gấp 10 lần” và đây là hướng tiếp cận hiệu quả nhất để VECA đạt mục tiêu trong năm đầu hoạt động, sẽ có 1.000 người thu gom tham gia ứng dụng. “Việc gì ở giai đoạn khởi sự cũng khó và mỗi giai đoạn đều phải giải quyết những cái khó riêng”, Bùi Bảo nói.
Tốt nghiệp ngành môi trường Đại học Bách khoa TP.HCM, từng làm giám đốc một nhà máy giấy tại Tây Ninh, Bảo nhận ra cơ hội và khiếm khuyết của ngành mà mình có thể góp phần cải thiện. Ý tưởng được trao đổi với Minh Trang, bạn học cấp 3 của Bảo trước khi cả hai bắt tay vào tìm tòi, triển khai từ giữa năm 2019.
Đã có nhiều thay đổi về mô hình của VECA trong 1 năm qua, nổi bật là các góp ý của bạn bè, người thân về việc có nên thu phí. Đội ngũ này cho rằng, nếu chọn thu phí chiết khấu, sẽ cản trở việc tiếp nhận, sử dụng nền tảng của cả 2 phía người dùng. Có người gợi ý VECA nên đóng vai trò của vựa thu mua, nhưng Bảo cho rằng, “chúng tôi không có nguồn lực và không muốn làm đối thủ cạnh tranh với các chủ vựa”.
Nguồn: Báo đầu tư