Theo số liệu thống kê vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra năm 2019, Việt Nam có 177.560 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp khai tử và tạm ngừng hoạt động cũng rất đáng lưu ý với 89.282 doanh nghiệp.
Vậy làm sao để có thể đương đầu với muôn vàn khó khăn trong quá trình khởi nghiệp? Làm sao để có thể khởi nghiệp thành công là thách thức mà hàng nghìn người đang phải đối mặt mỗi ngày. Trong đó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước đã gặt hái thành công là một trong những cách được nhiều người lựa chọn. Tôi cho rằng, những người lựa chọn cách này có thể học theo những kinh nghiệm của ba doanh nhân thành công của nước Mỹ Michael J Michalowicz, Daymond John và Ben Horowits.
Đau thương cũng như những kinh nghiệm khởi nghiệp xương máu của hai ông được trình bày gọn ghẽ trong 3 cuốn sách có tên gọi đầy “trần trụi”: “Khởi nghiệp từ khốn khó” “Gian nan chồng chất gian nan” và “Sức mạnh của sự túng quẫn”.
Khởi nghiệp từ khốn khó
Tên gốc cuốn sách Khởi nghiệp từ khốn khó là The Toilet paper entrepreneur- được dịch là “Doanh nhân giấy vệ sinh”. Đây cũng là thuật ngữ được tác giả sử dụng xuyên suốt toàn tác phẩm. Thuật ngữ này được tác giả cuốn sách Michael J Michalowicz lấy nguồn từ tình cảnh mà mỗi người chúng ta đều ít nhiều trải qua một vài lần trong đời: chúng ta đi vệ sinh với chiếc quần tuột xuống mắt cá chân và khi giải quyết xong xuôi nỗi buồn thì chúng ta mới nhận ra rằng giấy vệ sinh đã hết, hoặc chỉ còn vài ba mẩu dính sát vào lõi giấy.
Trong tình cảnh này, thường chúng ta sẽ có hai lựa chọn: (1) kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài (song không phải lúc nào cũng khả thi), (2) cố gắng xử lý với những gì mình có: tìm một vài thứ có thể dùng trong thùng rác gần đó, xé mỏng lõi giấy… Michael J Michalowicz, tác giả cuốn sách cho rằng, nếu muốn thành công khi khởi nghiệp, mỗi người cần phải có kỹ năng xử lý như lựa chọn thứ 2 kể trên: thể hiện được khả năng vô hạn trong những hoàn cảnh thử thách nhất, để lôi “những phép màu” ra khỏi đống rác.
Tự tay xây dựng ba công ty trị giá hàng triệu đô la của riêng mình từ con số 0, nghiên cứu hàng trăm công ty khởi nghiệp và cộng tác để mở rất nhiều công ty khác, là khách mời thường xuyên trong chương trình Ý Tưởng Lớn Với Donny Deutsch và nhiều chương trình ti vi khác, được trao tặng nhiều giải thưởng doanh nghiệp uy tín… Michael J Michalowicz đã phát hiện ra nhiều điểm tương đồng quan trọng nhất ở những công ty khởi nghiệp thành công.
Tất cả những kiến thức, kinh nghiệm quý giá ấy đều được ông chia sẻ trong cuốn sách Khởi nghiệp từ khốn khó thú vị này – “một cuốn sách khác biệt và vượt trội hơn hẳn trong những cuốn sách viết về đề tài khởi nghiệp” với 3 loại kế hoạch ngắn gọn để khởi tạo, quản lý và phát triển doanh nghiệp thành công. Cuốn sách nhận được rất nhiều đánh giá tích cực trên trang amazon, cộng đồng đọc sách lớn nhất thế giới, và nằm trong Top 10 cuốn sách hay nhất về khởi nghiệp.
Gian nan chồng chất gian nan
Đây là một cuốn sách nữa mà những người mong muốn khởi nghiệp, những doanh nhân vừa khởi nghiệp cũng rất nên tham khảo.javascript:void(0)
Tác giả cuốn sách Ben Horowitz, một trong những doanh nhân giàu kinh nghiệm và uy tín nhất ở Thung lũng Silicon.
Trong cuốn sách này, Ben Horowitz chia sẻ những khó khăn chồng chất ông gặp phải khi sáng lập và điều hành hai công ty công nghệ Loudcloud và Opsware. Đó là khó khăn khi phải đối mặt thị trường gần như sụp đổ, khiến rất nhiều công ty phá sản; mọi người xung quanh từ người bạn đồng sáng lập, nhà đầu tư cho đến nhân viên đều quay lưng… Đó là những khoảnh khắc mà như ông viết “tôi chỉ muốn trốn tránh hoặc chết đi”…
Cũng giống như “Doanh nhân giấy vệ sinh”, cuốn sách “Gian nan chồng chất gian nan” của tác giả Ben Horowitz sẽ mang lại cho độc giả một góc nhìn mới về khởi nghiệp. Nhưng trên hết, tác giả sẽ giúp bạn đọc hiểu được đâu mới là tinh thần đích thực của khởi nghiệp và những kinh nghiệm cần thiết để “chiến đấu” trên con đường khởi nghiệp đầy gian nan nhưng cũng tràn đầy cảm hứng.
Sức mạnh của sự túng quẫn
Tác giả cuốn sách, Daymond John, là một SHARK trên chương trình Shark Tank của đài ABC- chương trình đã được mua bản quyền format và phát sóng tại Việt Nam.
Trong 20 năm qua, Daymond đã đi từ việc bán lẻ hàng thời trang tự may tới việc thiết lập một đế chế thời trang quốc tế, và được mệnh danh là “Bố già” của Làng thời trang đô thị tại Mỹ. Ngoài sự thành công về phong cách, Daymond đã trở thành một trong những chuyên gia về thương hiệu được yêu mến nhất trên thế giới và là diễn giả đầy tâm huyết và có sức thuyết phục.
Theo Daymond John, sức mạnh để đưa các công ty khởi nghiệp có thể đi đến thành công chính là sức mạnh của sự túng quẫn. Nói cách khác, ông cho rằng việc bắt đầu kinh doanh với ngân sách và nguồn lực hạn chế có thể là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các doanh nhân khởi nghiệp.
Bản thân Daymond John đã tận dụng sức mạnh của sự túng quẫn kể từ khi bắt đầu bán áo phông được may tại nhà trên đường phố Queens. Với ngân sách 40 đô la, Daymond đã phải nỗ lực một cách phi thường để quảng bá và bán được sản phẩm của mình. Và sự tuyệt vọng, túng quẫn đã tạo ra sự đổi mới, thành quả khi cuối cùng ông đã đưa thương hiệu FUBU trở thành một hiện tượng toàn cầu trị giá 6 tỷ đô la.
Trong cuốn sách Sức mạnh của sự túng quẫn, Daymond John, người sáng lập FUBU và là ngôi sao của ABC Shark Shark Tank cho thấy, xây dựng hoặc bắt đầu một doanh nghiệp với sự túng quẫn buộc người chủ phải suy nghĩ sáng tạo hơn, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Nó buộc người chủ phải kết nối với khách hàng của mình một cách xác thực hơn, thành thật với chính mình, tập trung vào mục tiêu và đưa ra những giải pháp sáng tạo cần thiết để tạo ra một dấu ấn có ý nghĩa cho doanh nghiệp…