“Có những đêm không khí lạnh tràn về, gió mạnh tốc cả lán trại, tôi phải ôm chăn màn chạy vào nhà dân ngủ nhờ. Cũng có hôm lạnh quá, cuốn 3 cái chăn bông cũng không ngủ được”.
Đó là chia sẻ của anh Lục Văn Truân (SN 1992), trú tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những tháng này mang đàn ong đi du mục theo mùa hoa.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng chàng trai dân tộc Giáy vẫn không bỏ cuộc, vẫn theo đàn ong đi khắp nơi để gieo mật ngọt, trở thành người nuôi ong quy mô nhất nhì huyện Yên Minh, mang về thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Dựa theo mùa hoa, anh Truân dẫn theo hàng trăm đàn ong đi khắp nơi kiếm mật.
Anh Truân cho biết, trước đây, học xong cấp 3, anh đã có những ngày tháng đi làm thuê tại Hà Nội. Tuy nhiên, do thu nhập thấp lại không ổn định nên anh quyết định về quê, tìm hướng đi mới cho bản thân.
Về quê, anh thấy có một số người mang ong từ vùng khác lên quê mình để nuôi ong lấy mật, làm kinh tế. Hết mùa mật, họ lại mang ong xuống các vùng khác. Thấy vậy, anh bèn tìm hiểu các tài liệu về nghề nuôi ong lấy mật và bỏ tiền mua 5 đàn ong giống về nuôi.
Từ hoa rừng đến hoa đắng, hoa bạc hà đều có thể cho các loại mật khác nhau.
Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên một số đàn ong bay đi mất, số còn lại phát triển kém, không cho thu mật. Anh hầu như mất trắng.
Tuy nhiên, bản thân anh không từ bỏ mà bỏ thêm thời gian nghiên cứu, đi thăm quan, học tập kinh nghiệm của các cơ sở nuôi ong có trên mạng và mua thêm 12 đàn ong khác về nuôi.
Nhờ ham học hỏi, có thêm kinh nghiệm, đàn ong của anh phát triển tốt và cho thu khoảng 8 lít mật/năm.
Thấy cơ hội làm giàu từ nghề nuôi ong, anh quyết định vay ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư gần 50 đàn ong về nuôi. Từ đó, mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, anh Truân cùng đàn ong rong ruổi khắp nơi để kiếm mật.
Từ 5 đàn ong ban đầu, đến nay anh Truân đã sở hữu 120 đàn ong.
Người đi đến đâu ong theo đến đấy, anh Truân phải làm lán trại giữa núi đá để trông ong.
Theo anh Truân, ong lấy mật phụ thuộc vào nguồn hoa và mùa hoa. Vì vậy, những người nuôi ong như anh phải di chuyển theo mùa hoa và vùng hoa thì ong mới cho năng suất mật cao, người nuôi ong mới có lợi nhuận.
“Nuôi ong cũng cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm, việc di chuyển đàn ong theo mùa hoa cũng rất vất vả. Ví dụ như tháng 2 là mùa hoa đắng, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa hoa rừng, tháng 8-9 là mùa hoa xuyến chi, từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau là mùa hoa bạc hà. Một số nơi trồng keo thì tháng 6-8 lại là mùa mật keo”, anh Truân cho biết.
Mỗi đàn ong sẽ cho thu về khoảng 8 lít mật/năm.
Nói về kỷ niệm những ngày nuôi ong du mục, anh Truân nhớ nhất những ngày tháng mùa đông giữa núi đá. Ở lán trại không có điện, không có nước, muốn sạc pin điện thoại hay xin nước cũng phải đi rất xa mới đến nhà dân. Tuy nhiên, hầu như lần nào đi cũng phải tối mịt mới về đến lán.
“Người Mông ở đây hiếu khách lắm. Nhìn thấy mình là họ không mang nước chè ra mời mà mang rượu ngô rót ra những chiếc chén vại. Không uống không được mà lần nào uống xong cũng suýt không về được lán”, anh Truân kể.
Hàng trăm đàn ong được “bày binh bố trận” khắp nơi để thu mật hoa.
Ngoài ra, ở giữa núi đá vào mùa đông rất lạnh, lại hay mưa to gió giật do không khí lạnh. Có lần mưa to gió lớn tốc cả lán phải lủi thủi giữa đêm tìm vào nhà dân để trú. Nước sinh hoạt cũng phải chở từng can để dùng, rất vất vả.
Tuy nhiên, nhờ ham làm, ham học hỏi, nuôi ong theo đúng kỹ thuật và di chuyển đàn ong theo mùa hoa nên anh Truân đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Có lợi nhuận, anh tiếp tục đầu tư nâng số lượng đàn ong lên 120 đàn.
Từ nghề nuôi ong du mục, anh Truân có thể mang về cả trăm triệu đồng/năm.
Lượng mật anh thu về có mùi thơm đặc trưng và giá trị dinh dưỡng cao nên có bao nhiêu cũng bán hết với giá từ 150-500.000 đồng/lít. Mỗi năm anh thu về khoảng hơn 100 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, để nâng cao chất lượng mật, anh Truân tiếp tục đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng rộng 150m2, mua máy hạ thủy phần và phá kết tinh mật ong.
Máy hạ thủy phần và phá kết tinh mật ong được anh Truân đầu tư để nâng cao chất lượng mật.
Xưởng sơ chế mật ong của anh cũng đạt tiêu chuẩn VIETGAP và chứng nhận an toàn thực phẩm (HACCP). Tiến tới, anh cho biết mình sẽ làm tem, mác và làm thương hiệu mật ong của chính mình để nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong cao nguyên đá do mình làm ra.
Nguồn: Khởi nghiệp sáng tạo