Đối với mọi công việc, bước đầu tiên dường như luôn gặp nhiều trở ngại và cần nhiều thời gian để thích ứng. Trong lĩnh vực khởi nghiệp cũng vậy, tưởng chừng chỉ cần một ý tưởng tuyệt vời đã có thể khởi nghiệp thành công. Thật ra, có 5 yếu tố khiến bất kỳ ai cũng khởi nghiệp khó khăn, chật vật sẽ được Khởi Nghiệp Trẻ điểm mặt ngay sau đây.
1. Thiếu kiến thức, kinh nghiệm
Một trong những khó khăn hàng đầu mà bạn phải đối mặt khi bắt đầu khởi nghiệp là sự khập khiễng về kiến thức và kinh nghiệm so với những “tay chơi” lão làng trong kinh doanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển ý tưởng khởi nghiệp của bạn mà còn khiến bạn trở nên “mong manh dễ vỡ” hơn trước những vấn đề sẽ xuất hiện trong quá trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, kiến thức và kinh nghiệm là hai phương diện mà bản thân bạn luôn có thể tự trau dồi.
Về kiến thức, hãy chú trọng học tập kiến thức ở trường và cả kiến thức có thể thu nạp ngoài giờ, qua sách vở, tư liệu trên mạng. Đối với kinh nghiệm, lắng nghe chia sẻ từ những tiền bối đi trước là một cách “vay mượn” kinh nghiệm rất hiệu quả nếu bạn muốn hóa giải việc khởi nghiệp khó khăn. Ngoài ra, bạn có thể dành 1-2 năm để thử việc ở lĩnh vực mà bạn muốn khởi nghiệp để tự góp kinh nghiệm cho mình.
2. Đưa ra quyết định
Đối với bất kỳ ai khi bắt đầu khởi nghiệp cũng phải đứng trước nhiều sự lựa chọn từ khâu ý tưởng, chọn đối tượng,… cho đến chọn đối tượng. Đứng trước những quyết định có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách, tương lai của mình thì không ai là không phân vân, khó chọn lựa. Đôi khi, sự lưỡng lự đó sẽ càng gây khó khăn cho bạn nhiều hơn. Trong khởi nghiệp nói chung và kinh doanh nói riêng, bạn phải giữ vai trò là người quyết định và đưa ra những lựa chọn dù có gay gắt đến đâu.
Sẽ có rất nhiều lần trong sự nghiệp bạn phải quyết định sa thải một nhân viên nào đó, quyết định từ bỏ một dự án nào đó,… nếu điều đó là cần thiết cho tổ chức của mình. Đó là lý do bạn cần tôi luyện một cái đầu lạnh để luôn thực sự tỉnh táo trước những tình huống bắt buộc phải lựa chọn. Bạn có thể rèn luyện yếu tố này bằng thói quen suy nghĩ nhanh chóng và đưa ra quyết định trong những sinh hoạt hằng ngày.
3. Thiếu vốn đầu tư
Nguồn vốn chính là phương thuốc hiện thực hóa mọi ý tưởng mà bạn ấp ủ. Nếu không có nguồn vốn riêng thì đã đến lúc bạn phải tự thân tìm kiếm, thuyết phục, kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân khác. Về phương diện nhà đầu tư, họ cần đảm bảo đồng tiền của mình luôn sinh lời một khi đã quyết định rót vốn vào các nhà khởi nghiệp. Thế nên, sự cạnh tranh khốc liệt giữa những startup là chắc chắn và đương nhiên sẽ có ít cơ hội hơn cho các doanh nghiệp khi họ không thể thu hút được lượng khách hàng ban đầu sau một thời gian đầu tư.
Nếu khởi nghiệp khó khăn vì thiếu nguồn vốn, những chương trình lựa chọn startup để đầu tư như Shark Tank là lựa chọn lý tưởng dành cho bạn. Ở đó, có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng lắng nghe ý tưởng và kế hoạch của bạn, cuối cùng họ sẽ đưa ra quyết định có rót vốn vào ý tưởng của bạn hay không. Dù ít hay nhiều thì đây có thể là một chiêu “cứu cánh” bạn nếu còn đang chật vật với nguồn vốn đấy.
4. Chưa có thu nhập ngay lập tức
Cũng như việc trồng cây ăn quả, không thể chỉ vừa gieo mầm là có trái ngọt để thưởng thức ngay, vấn đề khởi nghiệp muốn sinh lợi nhuận cũng phải kiên trì trong một thời gian dài. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến các chi phí sinh hoạt của bạn. Bạn chẳng những phải tiết kiệm chi tiêu để đầu tư vào việc khởi nghiệp mà còn chưa thể bù đắp lại nguồn vốn ngay lập tức. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ kéo dài 1-3 tháng nếu ý tưởng khởi nghiệp của bạn hoạt động có hiệu quả.
Vì vậy, để có thể cân bằng chi tiêu sinh hoạt trong vài tháng, bạn phải chuẩn bị sẵn một khoản tiền tiết kiệm. Bạn có thể kiếm thêm thu nhập từ một số công việc nhẹ nhàng, đơn giản khác nhưng không tốn quá nhiều thời gian. Bởi bạn còn phải dành đa số quỹ thời gian của mình cho việc chăm sóc ý tưởng khởi nghiệp của bản thân đang trên đà phát triển.
5. Thay đổi cuộc sống cá nhân
Bạn có thể phải làm việc trong hàng giờ liền, ít khi có thời gian ở nhà ở nhà. Nhiều lúc bạn sẽ phải thường xuyên nhận các cuộc điện thoại giữa đêm để giải quyết vấn đề, thậm chí là vào cuối tuần và ngày lễ. Đầu óc của bạn sẽ thường xuyên bị phân tâm, suy nghĩ về những vấn đề mà doanh nghiệp của bạn đang phải đối mặt, và áp lực tài chính bạn đang gánh chịu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ của bạn. Đó là những hệ quả mà bạn có thể phải đối mặt trong cuộc sống cá nhân nếu bắt đầu khởi nghiệp.
Để hạn chế khó khăn này, một kỹ năng quản lý thời gian tốt sẽ rất có lợi cho bạn. Bạn có thể lên kế hoạch kỹ lưỡng cho những khung giờ dành riêng cho công việc và gia đình. Tâm sự với người thân, bạn bè ngoài việc giúp họ thấu hiểu cho sự thay đổi của bạn còn tạo cơ hội cho bản thân bạn thả lỏng hơn vì có người lắng nghe tâm sự. Đương nhiên những thay đổi dù ít hay nhiều sẽ vẫn xảy ra nhưng đó chỉ là thử thách rất nhỏ cho thành công phía trước.
Phía trên là 5 yếu tố phổ biến làm nhiều người khởi nghiệp khó khăn. Khởi Nghiệp Trẻ tin rằng những chướng ngại vật nhỏ này chẳng những không làm bạn gục ngã mà còn là bàn đạp giúp bạn vươn cao hơn trên chặng đường khởi nghiệp. Hãy rèn luyện cho mình một ý chí kiên cường để chiến đấu với bất kỳ vật cản nào ở phía trước!
Nguồn: Khởi nghiệp trẻ