Theo thống kê cho thấy có đến 90% startup thất bại trong 5 năm đầu, những số liệu khác lại chỉ ra rằng 70% startup thất bại trong 2 năm. Tuy nhiên với startup của mình, tôi biết nó sẽ thất bại 100%.
Tôi đã làm một ứng dụng dành riêng cho những người du lịch một mình để họ kết bạn và trò chuyện với những người cùng hoàn cảnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên nó không hoạt động tốt. Thất bại này là một cú giáng vào sự ngạo nghễ của tôi, nhưng đổi lại, tôi đã ngẫm ra vài điều bổ ích.
Khi tôi kể câu chuyện này với bạn bè và đồng nghiệp, họ thường hỏi tôi tại sao đến nông nỗi này. Tuy nhiên tôi nghĩ họ đã lầm. Họ cần hỏi rằng thất bại này đã giúp tôi rút ra được bài học gì. Bởi tôi luôn tin rằng thất bại là mẹ thành công. Vậy nên tôi luôn bình tĩnh nhìn lại hành trình của mình và tìm xem tôi đã sai ở giai đoạn nào.
Thay vì đầu hàng, tôi bắt đầu nghiên cứu về thất bại của những startup khác. Tôi tìm hiểu câu chuyện của Jeff Bezos – người sáng lập Amazon, hoặc của Reid Hoffman – đồng sáng lập Linkedln. Những cái tên này đã biến những kinh nghiệm trong quá khứ thành động lực cho thành công với những ý tưởng mới. Đặc biệt, Paola MacCallum, CEO của NamoBOT, đã cho tôi rất nhiều bài học vô giá.
Và đây là những gì tôi đã rút ra được từ trải nghiệm của họ và từ trải nghiệm của chính tôi
1. Phải có đủ vốn
Tôi không phải là người khởi nghiệp duy nhất bị thiếu hụt nguồn vốn. Theo những phân tích của CB Insights, thiếu hụt vốn là nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến sự thất bại của các startup. Vậy nên bạn cần vạch rõ điều kiện tài chính trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.
Khi tôi bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình, tôi không mấy bận tâm về tài chính. Về cơ bản, tôi cũng tự chi tiền cho mọi thứ từ lúc bắt đầu. Tôi nghĩ rằng số tiền tích cóp được bấy lâu là đủ cho kế hoạch này. Tuy nhiên, chỉ sau một vài tháng, tôi đã lâm vào cảnh chật vật tài chính.
Tình thế ấy bắt buộc tôi chỉ được tập trung vào những thứ quan trọng nhất. Do đó, tôi đã phải sa thải hai người cùng nhóm, và cũng chẳng thuê được một nơi làm việc đúng nghĩa.
Có lời khuyên tôi nên sắp xếp tiền bạc ổn thỏa trong vòng ít nhất một năm làm việc. Hiện nay, có rất nhiều địa điểm để các startup tìm kiếm nguồn vốn từ các trung tâm cho vay hoặc quỹ cộng đồng. Đây cũng là cách các nhà sáng lập tìm được nguồn vốn cho startup của mình.
2. Đưa ra mức giá chấp nhận được, cung cấp các khuyến mãi
Tạo ra lợi nhuận trong những tháng đầu tiên là một việc rất khó khăn cho mọi người kinh doanh. Và tôi cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, vì muốn kiếm tiền, tôi đã đưa ra mức giá giúp mình có thể kiếm được lợi nhuận nhanh chóng. Và không may mắn thay, khách hàng lại tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ.
Giá cao dường như không giúp ích nhiều với các startup, đặc biệt khi thị trường đã bị bão hòa. Điều tôi cần làm chính là hạ giá sản phẩm và đưa ra các khuyến mãi. Chúng sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên tôi đã nhận ra điều này quá trễ.
Thay vì tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận, tôi nên tập trung vào quảng bá sản phẩm và thu hút khách hàng.
3. Không phải lời khuyên nào cũng đúng
Khi nói về khởi nghiệp, rất nhiều người nghĩ họ là chuyên gia. Họ quăng ra vài con số, đưa ra vài ví dụ thành công, và họ trở thành chuyên gia!
Tuy nhiên từ những kinh nghiệm bản thân, tôi tin rằng bạn phải biết chọn lọc lời khuyên đúng đắn. Tham khảo người đi trước rất quan trọng, nhưng chọn được lời khuyên tốt còn quan trọng hơn.
Hãy cẩn trọng trước khi thay đổi quyết định của mình vì lời nói của một vài người nào đó. Bởi vì bạn cũng cần lắng nghe chính mình. Và sau tất cả, khởi nghiệp nghĩa là khiêu chiến với những điều lạ lẫm. Nếu bạn cứ lo sợ và tính toán an toàn, thì kế hoạch của bạn sẽ chẳng đi được đến đâu cả.
4. Bạn không thể tự mình làm mọi thứ
Lúc ban đầu, đội ngũ của tôi chỉ có một người – là chính tôi. Tôi là nhân viên tài chính. Tôi là người phát triển. Tôi là người kiểm thử. Tôi cũng là người tự lo những điều lặt vặt khác. Không cần phải nói, có quá nhiều thứ cần tôi đảm nhiệm.
Nguyên nhân trực tiếp của vấn đề này là vì ngân sách hạn hẹp của tôi. Tôi chẳng thể xoay sở để thuê thêm nhân nhân viên. Và tôi cũng không muốn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của bạn bè.
Nên nhớ rằng, khi muốn tạo dựng một thứ gì đó lớn, bạn phải cần nhiều người. Tôi chắc chắn rằng đền Taj Mahal là công sức của hàng chục ngàn người. Và dĩ nhiên không như startup của tôi, địa danh này thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi ngày. Vấn đề trầm trọng ở đây chính là tôi đã đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ, thậm chí có những điều tôi không thật sự thông thạo.
Thay vì tự mình làm hết mọi thứ, bạn cần có thêm những chuyên gia ở một vài lĩnh vực, đồng thời có tài năng truyền thông để giải thích sản phẩm một cách tốt hơn. Tôi nhận ra đây là một lời khuyên đúng đắn khi những nỗ lực của một mình bản thân tôi không đem lại kết quả như ý.
5. Phải biết chấp nhận sự thật khi thất bại
Chấp nhận sự thất bại không phải là điều dễ dàng. Và tôi đã từng không thể chấp nhận được nó. Trong một quãng thời gian dài, tôi không thể tin rằng startup của mình không được chọn. Như có hiệu ứng domino, mọi thứ dường như đều trở nên tồi tệ hơn. Khách hàng rời đi, tiền bạc thiếu hụt, và ý tưởng hay cứ bỏ tôi mà đi mất.
Tôi đã mất một khoảng thời gian để nhận ra rằng mọi việc đang đi vào bế tắc. Tuy nhiên một khi đã dám chấp nhận, tôi dễ dàng gạt nó sang một bên và bắt đầu những hành trình mới của bản thân.
Có câu nói rằng “Thà thất bại ngay từ lúc ban đầu còn hơn chỉ thành công trong sự ảo tưởng”. Lạc quan là một chuyện, nhưng từ bỏ hiện thực lại là câu chuyện khác. Hãy tỉnh táo để biết khi nào con thuyền đang chìm, và dĩ nhiên, làm thế nào để thoát khỏi nó.
Kết luận
Startup thất bại chẳng còn là chuyện lạ lẫm gì nữa. Có thể đó là vì lỗi của chính bạn, hoặc cũng có thể lỗi do hoàn cảnh. Dù là nguyên nhân gì, bạn cũng nên giữ được ý chí của mình và biết nhìn lại để rút ra những bài học quý giá. Bạn chỉ học được từ những trải nghiệm và những điều học được từ thất bại sẽ giúp bạn tồn tại trong cuộc sống này. Một khi bạn đã có đủ kiến thức, thì chẳng ai có thể ngăn bạn thành công.
Và như ai đó đã nói rằng: Thành công và thất bại chỉ cách nhau một bước chân.