Hiện nay, ở nước ta, các mô hình trang trại dần xuất hiện nhiều hơn một cách đầy tiềm năng và phát triển vô cùng hiệu quả. Điều này cho thấy khởi nghiệp làm trang trại là một ý tưởng không tồi.
1. Trau dồi kiến thức, kỹ năng
Bất cứ quá trình nào cũng phải bắt đầu từ những thứ cơ bản, nền tảng nhất. Để bắt tay vào xây dựng nên một trang trại cho riêng mình thì trước hết bạn cần biết những kiến thức cơ bản nhất về lĩnh vực này. Đồng thời, các kỹ năng từ đơn giản nhất tới phức tạp nhất phục vụ cho việc chăm sóc một trang trại cũng là thứ mà bạn cần trang bị.
Đương nhiên, không có nghĩa là bạn phải biết hết mọi thứ nhưng ít nhất bạn phải nắm được những nội dung cần quan tâm, trọng yếu. Một số công việc đòi hỏi bạn phải thực hành, thử sức và mắc sai lầm để rút kinh nghiệm, đôi khi tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, một khi bạn đã quyết định gắn bó với nghiệp nhà nông thì tất cả điều này không thể nào tránh khỏi.
Tự học là phương pháp đầu tiên và đơn giản nhất. Có rất nhiều sách về nông nghiệp, trang trại bày bán tại các cửa hàng, việc bạn cần làm chỉ là tìm và đọc chúng, học hỏi những kiến thức bên trong. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ hiện này, rất nhiều thông tin về lĩnh vực nông nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận chỉ sau một cú click chuột. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham gia các khóa học online được cung cấp trên mạng. Điều bạn cần lưu ý là học cách chọn lọc và tiếp nhận những thông tin thật sự hữu ích.
Tìm nhà tư vấn để học hỏi, chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm là phương pháp thứ hai mà bạn nên cân nhắc. Bằng những trải nghiệm, họ hoàn toàn có thể chỉ cho bạn đâu là điều nên hoặc không nên làm, những thứ cần lưu ý cũng như các mẹo hay để giúp bạn quản lý trang trại của mình tốt hơn.
2. Lên kế hoạch
Một bản kế hoạch càng chi tiết càng tốt sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc từng bước xây dựng nên trang trại của mình. Ở bước này có nhiều điều bạn cần xác định để hình dáng tương lai của trang trại rõ ràng hơn. Thứ nhất là xác định ý tưởng, hãy lựa chọn cho mình một ý tưởng thực sự sáng tạo và tiềm năng để làm đích đến phấn đấu. Thứ hai, xác định quy mô trang trại mà bạn muốn thành lập, kể cả trang trại nhỏ hay lớn. Thứ ba, xác định số vốn mà bạn có thể đầu tư vào ý tưởng khởi nghiệp làm trang trại của mình. Thứ tư, xác định những mục tiêu vào từng giai đoạn, việc này giúp bạn bám chắc vào quá trình phát triển trang trại của mình. Ngoài 4 việc trên, nếu cần chuẩn bị trước bất cứ thứ gì, hãy đừng ngần ngại thêm vào để bản kế hoạch càng thêm chi tiết.
Những người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp khuyên rằng khi bạn mới bắt đầu lập trang trại nên đưa thông tin chi tiết về dự toán chi phí và ước tính doanh thu. Hơn nữa, bạn cần mô tả nông trại sẽ vận hành như thế nào, cùng với danh sách dự kiến sử dụng bao nhiêu lao động, mô tả công việc và mức lương dự tính chi trả cho họ. Chi phí cố định và chi phí lưu động là hai khoản phí bạn cần cân nhắc tính toán kỹ lưỡng.
Để hoàn thành tốt việc xây dựng kế hoạch, bạn sẽ cần bỏ ra rất nhiều thời gian nhằm “đào bới” lĩnh vực mà bạn đặt quan tâm. Rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp làm nông trại đã phải đối mặt với thất bại, ngừng hoạt động vì xem nhẹ việc lên kế hoạch cho quá trình phát triển, kinh doanh. Bởi lên kế hoạch là một trong những điểm mấu chốt quyết định tỷ lệ thành công tương lai cho trang trại của bạn đấy!
3. Chuẩn bị vốn
Sau khi xác định số vốn cần chi trong bước lên kế hoạch thì đây là lúc bạn bắt đầu “gom gạo” để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp làm trang trại của mình. Ở Việt Nam, đầu tư trang trại quy mô nhỏ có ưu thế hơn trang trại quy mô lớn, do chi phí mua đất trang trại cũng sẽ ít hơn và chi phí bỏ ra cho việc trang hoàng trang trại cũng thấp hơn nhiều. Đặc biệt, những nơi đất chật người đông, khả năng mở rộng diện tích là khá khó khăn nên thường được định hướng phát triển các trang trại quy mô nhỏ và vừa, trang trại lớn sẽ có tỷ lệ thành công thấp hơn.
Công đoạn chuẩn bị vốn sẽ tốn rất nhiều thời gian của bạn. Tùy theo quy mô trang trại mà bạn lựa chọn, thời gian bạn cần dành dụm sẽ kéo dài tương ứng. Trong thời gian “gom gạo”, có nhiều khoản phí cá nhân sẽ thay đổi vì bị ảnh hưởng. Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị khoản phí dự trù cho các trường hợp bất khả kháng.
Nếu cá nhân bạn không có đủ vốn cho ý tưởng khởi nghiệp làm trang trại của mình, hãy tìm kiếm và kêu gọi các nhà đầu tư có hứng thú. Chỉ cần có một ý tưởng đủ chất lượng và tiềm năng, sẽ có rất nhiều người sẵn sàng bỏ vốn vào trang trại của bạn. Bên cạnh đó, bạn có thể góp vốn với người thân trong gia đình, bạn bè hoặc những người có cùng lý tưởng. Đồng sáng lập một trang trại cũng không hề giảm bớt khả năng thành công của bạn trên chặng đường khởi nghiệp.
3. Chọn vị trí, chuẩn bị không gian, vật dụng
Bước cuối cùng trong”bí kíp” ngày hôm nay là công đoạn lựa chọn địa điểm, chuẩn bị không gian xây dựng và trang bị các thiết bị cần thiết cho một trang trại. Phát triển trang trại cần diện tích đất khá rộng, nên sẽ rất thuận lợi nếu bạn đã có sẵn địa điểm tại gia đình, địa phương. Trong trường hợp ngược lại, bạn phải đi thuê hoặc mua đất, địa điểm để phát triển mô hình của mình. Khi lựa chọn địa điểm nên ưu tiên chọn những thửa đất rộng lớn, xa khu dân cư là điều cần thiết nhất. Nếu chọn làm trang trại ở những vùng đông dân cư, khi đàn gia súc gia cầm bị bệnh thì việc chữa trị là rất khó khăn.
Vị trí xây dựng phù hợp sẽ là điểm mạnh giúp trang trại của bạn thuận lợi trên con đường phát triển. Nếu bạn có ý tưởng thực hiện kinh doanh hoặc tham quan ngay tại trang trại thì một vị trí phù hợp càng có vai trò quan trọng hơn rất nhiều. Đặc biệt là đối với các trang trại mang mục đích phục vụ du lịch sinh thái, khách hàng sẽ dựa trên vị trí và hình thức trang trại của bạn để quyết định có đến hay không.
Về vấn đề xây dựng và chuẩn bị vật dụng, bạn không nên keo kiệt khi phải chi mạnh tay vào vấn đề này. Bởi bản thân 2 khía cạnh này là nền tảng giúp trang trại của bạn tồn tại và phát triển, nền tảng có vững thì sự tồn tại mới lâu dài. Dựa vào đặc điểm địa hình, bạn cần lựa chọn hình thức xây dựng, vật liệu sử dụng sao cho phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực từ môi trường, khí hậu, thời tiết ở địa phương. Đối với vật dụng, trang bị vật dụng càng hiện đại, chất lượng thì năng suất của trang trại bạn càng được nâng cao. Tuy nhiên, bạn vẫn nên cân nhắc chi tiền trong khả năng của mình, không phải chi vô điều kiện cho những thứ vô bổ, không cần thiết.
Phía trên là 4 bước cơ bản giúp bạn thực thi ý tưởng khởi nghiệp làm trang trại của mình. Nhưng bạn vẫn phải lưu ý kết hợp kiến thức được học và sự sáng tạo linh hoạt mới là phương pháp tốt nhất để khởi nghiệp làm trang trại bạn nhé!
Nguồn: Khởi nghiệp trẻ