Sử dụng màng phủ Passlite (vải không dệt) trong việc trồng rau ăn lá, chị Nguyễn Thị Đào (tỉnh Sơn La) đã thành công với phương pháp trồng rau thông minh và nhân rộng mô hình, giúp nhiều hộ gia đình tại địa phương tăng thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Đào (tỉnh Sơn La) thành công với phương pháp trồng rau thông minh và nhân rộng mô hình, giúp nhiều hộ gia đình tại địa phương tăng thêm thu nhập.
Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được ví như vựa rau củ của miền Bắc. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở hầu hết các loại cây trồng của người nông dân đang là hồi chuông báo động cho toàn thể cộng đồng.
Làm thế nào để vừa bảo vệ cây rau không bị sâu bệnh phá hoại, vừa đảm bảo sức khỏe người cho người sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường đang là câu hỏi lớn. Ngoài ra, vào thời gian từ tháng 3 đến tháng 9, người dân trồng rau tại Mộc Châu còn hứng chịu những trận mưa đá, mưa rào nặng hạt gây thiệt hại về năng suất, mẫu mã cho rau, đặc biệt là rau ăn lá.
Nhận thức được những mối nguy tiềm ẩn đó, chị Nguyễn Thị Đào (52 tuổi, ở bản An Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu) đã tham gia dự án “Phát triển hệ thống sản xuất bảo quản và chế biến rau, hoa theo chuỗi giá trị có gắn với du lịch tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ tỉnh Sơn La” do GREAT hỗ trợ và Viện Nghiên cứu Rau quả FAVRI thực hiện.
Ứng dụng phương pháp trồng rau thông minh hơn
Tham gia dự án, chị Nguyễn Thị Đào được hướng dẫn sử dụng màng phủ Passlite (vải không dệt) trong việc trồng rau ăn lá.Đây là một loại vật liệu được làm từ vải không dệt Spunbond và sợi tổng hợp polyester, đã được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản cách đây 30 năm, hiện đang được dùng phổ biến ở nhiều nước.
Phương pháp này cho thấy rõ nhiều hiệu quả ưu việt hơn hẳn cách làm trước. Chị Đào chia sẻ: Với các loại rau ăn lá, thời gian thu hoạch khi chị sử dụng màng phủ Passlite là khoảng 27-30 ngày sau gieo, ngắn hơn so với cách trồng thông thường từ 3 đến 5 ngày. Năng suất tăng thêm 5 tấn/ha. Cụ thể, năng suất rau trồng không dùng màng phủ là 15 -16 tấn/ha còn khi dùng màng phủ là 18 – 20tấn/ha.
Bên cạnh đó, nhờ sử dụng màng phủ, hình thức rau đẹp và an toàn nên chị đã bán được giá tăng thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg. Màng phủ Passlite có thể tái sử dụng 3-5 lần nên chi phí khấu hao được giảm xuống. Đồng thời, chị không phải bón phân nhiều lần, không phải làm cỏ nên tiết kiệm công lao động đáng kể.
Chị Đào cho biết: Khi không dùng màng phủ, chị phải phun thuốc 5-7 ngày/lần, nguy cơ vượt ngưỡng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau khó tránh khỏi dẫn đến chất lượng rau không đảm bảo an toàn. Màng phủ Passlite sử dụng canh tác đơn giản, trồng rau không cần phun thuốc hoặc chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật một lần trước khi trồng, bón phân một lần duy nhất trước khi trồng, cung cấp nước đủ ẩm cho rau lá rau có thể sinh trưởng phát triển tốt. Màng phủ cũng đã giúp chị hạn chế các trận mưa rào to, mưa đá, nên rau của nhà chị không bị dập nát, tỷ lệ thu hoạch rau thương phẩm đạt cao.
“Trước kia, mỗi lần phun thuốc về là tôi thấy rất mệt và đau đầu, còn các loại côn trùng có lợi trên đồng ruộng như: bọ rùa, cóc, nhái,.. cũng bị tiêu diệt. Đất đai thì bị cẵn cỗi, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Bây giờ, tôi đi bán rau ngoài chợ cho mọi người cũng yên tâm vì rau của mình an toàn, họ về ăn không bị độc mà lại thấy ngon, lần sau họ lại tìm mua rau của tôi”, chị Nguyễn Thị Đào phấn khởi.
Công nghệ màng phủ Passlite (vải không dệt) trong trồng rau ăn lá giúp người dân tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nâng cao năng suất và thu nhập
Nhân rộng mô hình trồng rau an toàn
Từ thành công của gia đình mình, chị Đào nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều hộ dân trong và ngoài xã đến thăm quan học tập.
Xã Mường Sang có diện tích sản xuất rau ăn lá trên 100ha với hơn 80 hộ, người dân sản xuất chủ yếu sản xuất ngoài trời với các loại rau: cải canh, cải canh, xà lách, hành lá… Qua mô hình nhà chị Đào, 10 hộ dân tại bản An Thái, xã Mường Sang và 4 hộ dân ở Thị Trấn Nông trường, xã Phiêng Luông và xã Tân Lập đã đến học tập kinh nghiệm và về áp dụng, sử dụng màng phủ trong việc trồng rau với diện tích trên 7.000m2.
Khởi nghiệp không phải là một khái niệm lớn lao, xa vời. Với những người nông dân đã ngoài 50 như chị Nguyễn Thị Đào, chỉ một thay đổi nhỏ trong quá trình sản xuất, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, đó cũng chính là cách họ khởi nghiệp để tự tin khẳng định bản thân mình.
Nguồn: Khởi nghiệp