Về Việt Nam vào mùng Một Tết, ông Nguyễn Trung Dũng, sau này là CEO Dh Foods chỉ mang một vali, dù từng cầm 6 triệu USD khi kinh doanh ở Ba Lan.
Trong các chuỗi bán lẻ như VinMart, Bách Hóa Xanh, CoopMart… hay các cửa hàng tiện lợi, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy những lọ muối chấm, sốt chấm, hoặc gia vị ướp nhãn xanh mang thương hiệu Dh Foods. Tuy nhiên ít người biết đằng sau thương hiệu này là câu chuyện khởi nghiệp gian khó của ông chủ Nguyễn Trung Dũng khi đã 50 tuổi, độ tuổi nhiều người chọn cuộc sống ổn định, an nhàn.
Hành trình bôn ba nơi đất khách
Xuất thân là một du học sinh Việt Nam tại Ba Lan, sau khi tốt nghiệp ngành IT vào năm 1989, thời thế buộc chàng thanh niên Nguyễn Trung Dũng cùng bạn học phải tham gia kinh doanh. Khởi đầu từ một quán ăn Việt Nam quy mô nhỏ, sau vài lần về nước thăm nhà, nhận thấy mì ăn liền rất ngon, rẻ lại tiện lợi, được nhiều người bạn phương Tây khen ngon, ông quyết định đánh liều nhập khẩu nửa container hàng trăm thùng mì sang Ba Lan. Tuy nhiên đến khi bán hàng lại không có ai mua.
“Họ chê món ăn trông như ‘giun’, mì mà lại sấy khô”, ông Dũng kể.
Không bỏ cuộc, ông kiên trì mang từng gói mì cùng bát đũa, bình nấu nước nóng thuyết phục từng cửa hàng với niềm tin “10 người cũng sẽ có một cái gật đầu”. Chính nhờ niềm tin và sự kiên trì trong thời gian dài, ông dần có được những bạn hàng đầu tiên, và trở thành một trong những doanh nhân đầu tiên mang mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan với doanh số lên đến gần 10 triệu USD một năm, vào đầu những năm 90 thế kỷ trước.
Ông Nguyễn Trung Dũng – CEO Dh Foods. Ảnh: NVCC. |
Khi doanh nghiệp phát đạt cũng là lúc toàn châu Á rơi vào khủng hoảng tài chính giai đoạn 1997-1998 và Ba Lan cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng. Gặp khó khăn trong nhập khẩu, ông chuyển hướng đầu tư xây dựng hẳn một nhà máy sản xuất mì ăn liền tại Ba Lan với dây chuyền sản xuất thiết bị hiện đại bậc nhất thời bấy giờ. Sau khoảng ba năm, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ba Lan một lần nữa khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó, đưa ông đến quyết định bán toàn bộ cơ nghiệp mình đã gây dựng với giá 6 triệu USD. Đó là lần đầu tiên ông chạm đến số tiền lớn đến như thế. Nhiều tiền, ông tậu biệt thự, có bể bơi, sân tennis, bảo vệ túc trực 24/7… cùng quyết tâm khởi nghiệp lại với tinh thần “làm gì là phải đặc sắc ngay”.
Khởi nghiệp lần thứ hai, ông chọn mảng kinh doanh thức ăn chế biến sẵn trong túi nhôm, học theo mô hình của Nhật Bản với nhà cung cấp từ Thái Lan. Sau nhiều lần tổ chức triển lãm, chào hàng, kinh doanh vài lô hàng đầu tiên, sức mua được đánh giá tốt, ổn định, doanh nghiệp lại đứng trước thách thức khác khi “cơn bão” khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 đổ bộ. “Tôi đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng nọ. Lúc bấy giờ, tôi gần như sụp đổ, cả về gia đình lẫn việc làm ăn”, ông Dũng kể.
Đó cũng là lúc ông đưa ra một trong những quyết định trọng đại nhất đời mình, là trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng, chỉ xách theo đúng một chiếc vali khi đã gần 50 tuổi, mùng Một Tết Canh Dần năm 2010.
Khởi nghiệp lần thứ ba ở tuổi 50
“Tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất khi về nước, là trở về với người phụ nữ mình yêu”, ông Dũng kể.
Về nước với hai bàn tay trắng dù từng cầm 6 triệu USD, cái “được” duy nhất của ông là tìm thấy người bạn đời đồng hành trong cuộc sống. Ông cũng lần đầu đi làm thuê với vai trò điều hành một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đóng gói của Việt Nam nhưng đành rút lui sau hai năm do không tìm thấy tiếng nói chung giữa thói quen, tư duy kinh doanh ngay thẳng, minh bạch và môi trường làm việc tại Việt Nam.
Đến năm 2012, ông dành 1,2 tỷ đồng tiền tích cóp của hai vợ chồng để dốc sức khởi nghiệp lần thứ ba. Vào tháng 12/2012, khi ông mở một văn phòng nhỏ tại quận 5, TP HCM, CEO Dh Foods đón sinh nhật lần thứ 50, bắt đầu hành trình mới tại vùng đất vừa quen thuộc, nhưng cũng vừa mới mẻ.
Lần này, ông chọn ngành gia vị, một mảng tưởng chừng rất nhỏ trong lĩnh vực thực phẩm để khởi sự kinh doanh. Ông Dũng kể, suốt thời gian học tập và làm việc tại Ba Lan, ông rất nhớ món ăn, gia vị Việt Nam, trong khi xung quanh tràn ngập gia vị của những xứ sở khác. Vì nhớ vị đặc sản Việt, ông thường lái xe đi hàng trăm kilomet để mua mấy chai nước mắm, mấy hũ cà pháo, và một số gia vị khác do người Việt Nam nhập qua rồi bán trong cộng đồng người Việt.
Ở lần khởi nghiệp ngay trên quê hương, ông nhìn thấy Việt Nam thay đổi, hiện đại, văn minh lên… và các sản phẩm gia vị tuổi thơ cũng đã thay đổi. “Có nhiều sản phẩm dùng phẩm màu, dùng chất bảo quản nhân tạo và hương liệu. Chính các phụ gia hiện đại đó làm mất đi mùi vị mộc mạc, tự nhiên của các món ăn đã gắn liền với tuổi thơ tôi”, ông chia sẻ.
Trong khi đó, suốt những lần đi công tác từ Bắc đến Nam, ông luôn để ý đến một điều thú vị. Trên mỗi vùng đất quê hương trải dài mấy nghìn kilomet từ Hà Giang đến Cà Mau, từng vùng miền đều có những gia vị đặc sản với nét đặc trưng của vùng đất ấy nhưng chưa được bán rộng rãi, chủ yếu vẫn là kinh doanh nhỏ lẻ.
Từ những trăn trở đó, ông quyết định dấn thân vào lĩnh vực gia vị với ước mơ sản xuất được những sản phẩm gia vị Việt truyền thống mang nét đặc trưng của từng vùng miền nhưng cải tiến chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, khép kín với quy mô lớn giúp năng suất tăng. Quan trọng, sản phẩm phải hoàn toàn tự nhiên, không dùng phẩm màu tổng hợp hay chất bảo quản nhân tạo để an toàn cho sức khỏe.
Nước mắm – gia vị đặc trưng của người Việt và được yêu thích trên thế giới. Ảnh: Dh Foods. |
Khát vọng ‘Việt Nam là căn bếp thế giới’
Dù đã được hun đúc từ kinh nghiệm và sự am tường môi trường kinh doanh trong nhiều thập kỷ, ông Dũng vẫn tâm niệm luôn thận trọng trong từng hoạt động của doanh nghiệp. Từ khâu tuyển đơn vị cung cấp, phân phối, nhân sự, xuất khẩu… đều được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các nguyên tắc bất di bất dịch từ những ngày đầu: đảm bảo chất lượng, không ngừng cải tiến.
“Không bao giờ áp dụng lại kiến thức mình đã có mà bao giờ cũng phải rất thận trọng, đừng làm to vội mà phải làm từ từ, đừng chi nhiều ban đầu, chi tối thiểu cho những cái cố định, cái gì tự mình làm được thì làm”, ông Dũng chia sẻ.
Đó cũng là tinh thần của Dh Foods khi lần đầu tiên xuất khẩu sản phẩm đi Nhật Bản. Công ty gửi hàng nghìn mẫu xét nghiệm trong suốt hai năm ròng rã chỉ để được chấp thuận nhập khẩu một lô hàng nhỏ với giá trị không sánh là bao so với chi phí bỏ ra cho giai đoạn thẩm tra. Ông Dũng quan niệm, đối tác khó khăn bởi không chỉ muốn thẩm tra chất lượng sản phẩm, mà thứ quan trọng mà họ muốn “thử” chính là sự kiên nhẫn và chân thành của doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiều dòng muối, sốt đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có những khách hàng khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Ảnh: Dh Foods. |
Với tinh thần kiên nhẫn, thận trọng và không thỏa hiệp với bất cứ điều gì để giảm chất lượng, Dh Foods đã từng bước đưa những sản phẩm đầu tiên lên kệ siêu thị Việt Nam, có những lô hàng xuất khẩu đầu tiên, những đồng doanh thu đầu tiên.
Đến hôm nay, ước mơ của ông đã dần thành hiện thực, khi Dh Foods đã sản xuất 150 sản phẩm gia vị từ các vùng miền Bắc, Trung, Nam, cung cấp cho hầu hết siêu thị tại Việt Nam và xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Mỹ, Anh, Đức, Nga… Danh mục sản phẩm đa dạng với dòng muối chấm có muối tôm Tây Ninh, muối ớt, muối ớt xanh, muối tiêu lá chanh… Sốt chấm có sốt muối ớt chanh Nha Trang, sốt chanh dây chua ngọt… Cùng với đó là các dòng gia vị nấu và ướp, cả những loại gia vị đặc sản và tự nhiên như mắm, nước mắm lú, tôm chua, rau củ muối chua… Tất cả đều không dùng bột ngọt, không phẩm màu, không chất bảo quản.
Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp suốt 30 năm qua, con đường của ông Nguyễn Trung Dũng đầy những bước thăng trầm. Cùng với người bạn đời luôn kề vai sát cánh và đội ngũ cộng sự trẻ tuổi, tâm huyết, CEO Dh Foods tiếp tục đặt những khát vọng lớn hơn cho sự nghiệp kể cả khi râu tóc đã bạc trắng, điều mà không có nhiều người trẻ tuổi hơn dám ước mơ.
“Philip Kotler – cha đẻ của lý thuyết tiếp thị hiện đại đã khuyến khích: ‘Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới’. Và chúng tôi mong muốn trở thành góc gia vị trong nhà bếp đó”, ông Dũng nói.
Nguồn: Startup